Ngữ văn nâng cao 9: Tổng kết về ngữ pháp (Tiếp theo)

Thứ sáu - 28/02/2020 10:57
Ngữ văn nâng cao 9: Tổng kết về ngữ pháp (Tiếp theo)

Có 4 kiểu câu ta đã học và vận dụng lúc nói và viết là:
- Câu trần thuật.
- Câu nghi vấn.
- Câu cầu khiến.
- Câu cảm thán.
1. Câu trần thuật được dùng để miêu tả, kể, nhận xét sự vật. Cuối câu trần thuật, người viết đặt dấu chấm.
Ví dụ:
a. Sau cơn mưa rào, lúa vươn lên bát ngát một màu xanh mỡ màng.
b. Lão Hạc ngồi uống rượu. Lão nhắm vài miếng, lại gắp cho cậu Vàng một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Lão trò chuyện, lão chửi yêu cậu Vàng.
c. Văn viết cần đúng và hay, chứ không cần dài dòng.
2. Câu nghi vấn được dùng trước hết với mục đích nêu lên điều chưa rõ (chưa biết, còn hoài nghi) và cần được giải đáp. Cuối câu nghi vấn, người viết dùng dấu chấm hỏi.
Ví dụ:
a. “Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con ?”
(Ca dao)
b. ... “Những ngày ấy qua đã lâu rồi nhưng dễ gì quên được! Chị bỗng quay lại hỏi chồng:
- Cứ để anh Đá nằm ở bên kia mãi hay sao?
Khang không trả lời vợ. Anh mải lắng nghe tiếng vợ chồng con le le gọi nhau trong đầm nước sau bãi. Khắp vùng này có điệu dân ca nào tha thiết hơn thế không? Những đêm vượt sông về làng, anh thường thì thào nói với mình: “Cậu có nghe thấy những con le le gọi nhau đấy không? Như thế là hôm nay tụi trên bốt không phục ở bên ấy”.
                                                             (“Mùa cá bột” -Đỗ Chu)
c. “Tre xanh
Xanh tự bao giờ ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi ? 
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu ?...”
{“Tre Việt Nam'' - Nguyễn Duy)

3. Câu cầu khiến là câu dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,... đối với người tiếp nhận lời. Câu cầu khiến thường được dùng với những từ như: hãy, đừng, chớ, thôi, nào... Cuối câu cầu khiến, người viết đặt dấu chấm hay dấu chấm than.
Ví dụ:
a. Gà đã gáy dồn rồi. Con ơi, hãy dậy mà học bài đi!
b. “Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu !”.
                                           (Ca dao)
c. “Hỡi cô gánh nước quang mây.
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng.
Cây ngô đồng cành cao cành thấp
Ngọn ngô đồng lá dọc lá ngang
Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng
Từ ngày anh gặp mặt nàng
Lòng càng ngao ngán, dạ càng ngẩn ngơ”.
                                              (Ca dao)
d. “Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh”.
(“Thư Trung thu, 1952” - Hổ Chí Minh)

4. Câu cảm thán là câu thể hiện cảm xúc mạnh của nhân vật, của người nói, người viết. Cuối câu cảm thán thường dùng dấu chấm than. Trong câu cảm thán thường có những từ như: ôi, than ôi, hỡi ôi, chao ôi, trời ơi, thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào...
Ví dụ:
a. “Chừng nào Thánh đế ân soi thấu
Một trận mưa nhuần rửa núi sông!”.
(Nguyễn Đình Chiểu)
b. “Than vận nước gặp khi biến đổi,
Để quân Minh thừa hội xâm lăng,
Bốn phương khói lửa bừng bừng,
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!”.
(“Hai chữ nước nhà” - Trần Tuấn Khải)
c. “Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trẽn những cánh đồng xa!”.
(“Bếp lửa” - Bằng Việt) 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây