Nghị luận về một nhân vật văn học sống mãi trong em: Ông Sáu - Chiếc lược ngà

Thứ hai - 24/10/2022 11:26
Tình cảm gia đình vốn là những thứ tình cảm không bao giờ thay thế được, nó là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, là tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ, là nơi ta tìm về để được an ủi, được vỗ về, được nũng nịu, được yêu thương, chăm sóc vô điều kiện... Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thật xúc động tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy của cha con ông Sáu.
Nghị luận về một nhân vật văn học sống mãi trong em: Ông Sáu - Chiếc lược ngà
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Trong sâu thẳm trái tim mỗi con người, tình mẫu tử, tình phụ tử vốn là những tình cảm gần gũi, gắn bó, thiêng liêng nhất. Những tình cảm ấy khi đi vào những trang văn, bao giờ cũng có sức khơi gợi, lay động cảm xúc nơi người đọc vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt khi tình cảm ấy được đặt vào hoàn cảnh chiến tranh, éo le, nguy hiểm thì sức lay động của nó đến tâm hồn, trái tim người đọc càng sâu sắc hơn. Đó cũng chính là sức sống, sức cuốn hút của truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. In sâu trong trái tim và tâm hồn người đọc yêu văn chương, chính là hình ảnh nhân vật ông Sáu trong tác phẩm - một người chiến sĩ cách mạng, một người cha yêu thương con gái mình bằng tình yêu vô bờ bến.

Tình cảm gia đình vốn là những thứ tình cảm không bao giờ thay thế được, nó là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, là tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ, là nơi ta tìm về để được an ủi, được vỗ về, được nũng nịu, được yêu thương, chăm sóc vô điều kiện... Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thật xúc động tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy của cha con ông Sáu.

Ông Sáu - một người chiến sĩ cách mạng - phải xa gia đình tham gia kháng chiến, lúc đứa con gái đầu lòng của ông chưa đầy một tuổi. Đến khi hoà bình lập lại, ông mới được trở về nhà thăm con, nhưng đứa con gái không chịu nhận ông là cha vì ông có thêm một vết sẹo trên má. Bé Thu, con gái ông luôn tỏ ra xa cách, lạnh nhạt với ông. Đến khi cô bé nhận ra cha và bộc lộ cảm xúc mãnh liệt thì cũng là lúc ông Sáu phải trở lại chiến khu. Trong mưa bom, bão đạn, bao tình cảm thương nhớ con, ông Sáu dồn cả vào để làm chiếc lược bằng ngà voi tặng con mình. Nhưng thật éo le, chưa kịp gặp con, ông đã bị thương rồi hi sinh trong một trận chống càn ác liệt. Hoàn cảnh éo le ấy đã làm cho tình cảm cha con ông Sáu trong truyện trở nên sâu sắc, cao đẹp vô cùng. Ông Sáu đã hi sinh nhưng bài ca về tình phụ tử trong những trang văn còn vang vọng mãi trong lòng người đọc.

Bài ca về tình phụ tử thiêng liêng bất diệt trong truyện ngắn Chiếc lược ngà được thể hiện thật xúc động qua tình yêu thương sâu đậm ông Sáu dành cho con. Tám năm xa nhà, xa vợ con, để lại bao vấn vương, lo toan, bộn bề để đi kháng chiến khi đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi, ông Sáu chưa từng được biết mặt con. Tám năm đó là những năm ông phải sống trong nỗi nhớ nhung và xa cách đằng đẵng. Ông chỉ khao khát được nhìn mặt con một lần, được nghe một tiếng gọi “Ba” của con, được vỗ về yêu thương con. Bởi vậy, cái ngày được về phép thăm nhà, tình cha con cứ nôn nao, rạo rực trong ông. Không đợi đến lúc xuồng cập bến, ông đã vội vàng nhón chân nhảy thót lên bờ, bước những bước thật dài về phía con. “Ông Sáu vừa bước, vừa khom lưng, cúi người đưa hai tay về phía trước” để đón chờ con. Nhưng cảnh gặp gỡ đứa con nhỏ của ông không như những gì ông tưởng tượng. Bé Thu - con gái ông Sáu - vừa nhìn ông đã “thét toáng lên, gọi mẹ”. Phản ứng không mong đợi của đứa con đã khiến ông vô cùng đau đớn, buồn bã và thất vọng. Ông “đứng sững lại nhìn theo con”. Dù vậy ông Sáu cũng không nỡ giận con. Có được ba ngày phép ông dành cả cho con: “Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về con bé càng đẩy ra”. Ông khao khát được con gọi một tiếng “ba”. Ông đau khổ khi con bướng bỉnh, xa cách, lạnh lùng. “Con bé” nói trống không với ông khi gọi ông vào ăn cơm, bữa ăn, khi ông Sáu “gắp cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa soi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng” đi. Không giữ được bình tĩnh, ông đã đánh con để rồi sau này ông lại day dứt mãi. Nhưng có lẽ chính cái lúc đánh con ấy cũng là lúc ông yêu thương con mình nhất, lúc tình yêu thương con của ông trào dâng mãnh liệt. Dân gian ta vẫn có câu: “Thương cho roi cho vọt” phải chăng là bởi thế.

Nhưng có lẽ tình yêu thương con của ông Sáu được thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất là khi ông trở lại chiến khu, trở về với những ngày thương nhớ con đằng đẵng. Ông Sáu day dứt, ân hận tự trách bản thân mình sao lại đánh con. Bởi vậy bao nhiêu tình yêu thương, niềm vui ông dồn cả vào để làm chiếc lược bằng ngà tặng con. “Từ con đường mòn chạy lẫn sâu trong rừng, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe...”. Ông Sáu sung sướng, vui mừng biết bao “mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Có được khúc ngà voi. những lúc rảnh rỗi, ông dồn hết tâm trí, công sức vào việc làm lược “anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ, và cố công như người thợ bạc”, ông còn “gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Đọc đến đây, tôi xúc động vô cùng trước món quà chan chứa tình yêu thương ấy. Chiếc lược ngà với dòng chữ thân thương như mang trong mình sự yêu thương vượt qua bom roi, bão đạn của chiến tranh.

Không những vậy, hằng ngày ông Sáu còn mang cây lược ra chải, mài lên tóc mình cho bóng đẹp hơn. Bao nhiêu tình cảm yêu thương con, ông gửi cả vào cây lược vì vậy ông càng mong sớm được gặp lại con, được trao nó cho con. Nhưng cũng thật trớ trêu thay, ông chưa kịp gặp con mà đã hi sinh. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mình: “không còn sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”, ông Sáu dồn hết sức lực cuối cùng của mình đưa tay vào túi áo móc cây lược đưa cho bác Ba - người bạn chiến đấu của mình và nhìn bác hồi lâu với cái nhìn chờ đợi. Chỉ khi bác Ba nhận cây lược và hứa sẽ trao tận tay cho bé Thu thì ông mới yên lòng nhắm mắt. Thật cảm động biết bao, khi thấy ở ông Sáu - tấm lòng người chiến sĩ cách mạng giàu tình yêu thương. Ông muốn dành cho con tất cả, ngay cả trước khi nhắm mắt vẫn nghĩ về con.

Chiếc lược ngà mà ông Sáu gửi lại cho con là kết tinh tất cả tình yêu thương sâu nặng của ông. Nó như vật kí thác thiêng liêng của người lính về tình phụ tử mà bom đạn chiến tranh dù tàn ác đến đâu cũng không thể nào tàn phá nổi. Chiếc lược ngà với dòng chữ đầy yêu thương mãi mãi sẽ là kỉ vật, là nhân chứng về tình cha con thắm thiết, về những đau thương, mất mát, éo le mà chiến tranh đã gây ra cho biết bao người, biết bao gia đình.

Đọc xong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, tôi bỗng chợt nhận ra đã có những lúc vô tâm như bé Thu trong truyện. Đôi lúc, tôi đón nhận tình yêu thương của bố mẹ một cách vô điều kiện, vậy mà vẫn bướng bỉnh làm người thân của mình phải buồn lòng. Những giọt nước mắt lặng thầm của mẹ tuôn rơi và ánh nhìn buồn rầu của bố. Tôi hối hận vì những lúc ngang ngạnh của mình. Chính tác phẩm và hình ảnh nhân vật ông Sáu đã đánh thức và mở cửa tâm hồn tôi.

Quả thật, văn chương như một dòng sông chở nặng phù sa, nó chảy qua đời ta và bồi đắp cho tâm hồn ta những tình cảm, cảm xúc thật là cao đẹp. Nhân vật ông Sáu - một hình ảnh đã neo lại, khắc chạm vào tâm hồn tôi một ấn tượng khó phai. Ông Sáu - một người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, một người cha hết lòng yêu thương con, tôi bắt gặp ở ông, nhìn thấy ở ông tình yêu thương mà bố mẹ vẫn dành cho tôi.

Ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một hình ảnh đẹp về người lính và cũng là hình ảnh đẹp về tình phụ tử bất diệt, khơi gợi trong người đọc những tình cảm đẹp. Và như nhà văn Thạch Lam từng viết: “Khi tâm hồn ta đã rèn luyện thành một sợi dây đàn sẵn sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của vũ trụ, trước mọi cái cao quý của cuộc đời, chúng ta làm người một cách hoàn hảo hơn” (Theo giòng - Thạch Lam).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây