Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 sách Cánh diều năm học 2023 - 2024 (Đề 3)

Thứ hai - 15/04/2024 21:19
Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 sách Cánh diều năm học 2023 - 2024. Đề thi gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Có đáp án và hướng dẫn chấm điểm
A. ĐỌC HIỂU
Con Vàng
Bố tôi xin được con chó nhỏ về nuôi. Con chó khá xinh, lông vàng, cổ khoang trắng. Nhưng tôi chẳng bận tâm đến nó vì còn mải mê bắt châu chấu, nuôi sáo, đá bóng, chọi gà…
Cái Liên em tôi thì khác. Nó đặt tên cho con chó là Vàng và chăm sóc, chiều chuộng hết mực. Đi học về, vừa thấy Vàng vẫy đuôi chạy ra, Liên vồn vã :
- Ôi, em Vàng của chị ! Ở nhà có ai bắt nạt em không ?
Rồi Liên bế thốc Vàng lên để vuốt ve, vào bếp kiếm ngay cơm cho Vàng ăn.
Một hôm, thấy con Vàng đang rượt đuổi chú sáo mỏ vàng cực đẹp của tôi, thuận chân, tôi đá Vàng một cú mạnh như sút bóng. Con chó bay ra sân, rơi huỵch xuống đất, kêu oăng oẳng một lúc rồi nằm rên ư ử.
Liên đi học về, thấy con Vàng cá nhắc, bèn làm toáng lên. Nhưng tôi chối bay chối biến. Liên đành kiếm dầu xoa bóp cho Vàng. Hôm sau, Liên nấu cả cháo thịt mà Vàng cũng chỉ liếm được lưng thìa rồi nằm thở dốc, thỉng thoảng lại co giật, nước mắt tràn ra.
Chiều ngày thứ ba, tôi vừa về đến nhà thấy Liên ngồi bệt trước cửa khóc thút thít. Sau lưng nó, con Vàng nằm bất động trên tờ báo.
Tôi lấm lét nhìn Liên rồi lẳng lặng vào buồng, ngồi lặng lẽ. Nước mắt cứ ứa ra, tôi chẳng buồn nghĩ đến con sáo nữa…
Theo Nguyễn Bá

* Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành tiếp các bài tập:
Câu 1. Câu chuyện tập trung kể về  những nhân vật nào?
A. Người bố, hai anh em (“tôi” và Liên).
B. Hai anh em (“tôi” và Liên), con Vàng.
C. Hai anh em (“tôi” và Liên), con sáo.
D. Người bố, con Vàng, con sáo mỏ.

Câu 2. Vì sao người anh không bận tâm đến con chó nhỏ?
A. Vì mải mê bắt châu chấu, đá bóng, đi học.
B. Vì bận học và tham gia hoạt động ở trường.
C. Vì bận chăm sóc con sáo mỏ vàng cực đẹp.
D. Vì mải mê với những thú vui của riêng mình.

Câu 3. Chi tiết nào cho thấy Liên coi Vàng như người thân trong nhà?
A. Đặt tên con chó là Vàng.
C. Bế thốc Vàng lên để vuốt ve.
B. Gọi Vàng là “em của chị”.
D. Vào bếp kiếm cơm cho Vàng ăn

Câu 4.  Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để được ý đúng:
Người anh đá Vàng một cú mạnh như...................................khiến Vàng đau đớn nằm rên ư ử.
A. đánh nhau
B. trời giáng
C. sút bóng
D. đánh tạ

Câu 5. Dòng nào dưới đây nêu đúng 5 từ ngữ tả sự đau đớn của con Vàng?
A. rơi xuống đất, kêu oăng oẳng, rên ư ử, thở dốc, co giật
B. kêu oăng oẳng, rên ư ử, lừ đừ, đi cà nhắc, nằm bất động.
C. kêu oăng oẳng, rên ư ử, thở dốc, co giật, nước mắt tràn ra.
D. rên ư ử, thở dốc, co giật, nước mắt tràn ra, nằm bất động.

Câu 6. Trong câu sau có mấy tính từ  “Tôi lấm lét nhìn cái Liên rồi lẳng lặng vào buồng, ngồi lặng lẽ.”?
A. Một tính từ. Đó là :…………………
B. Hai tính từ. Đó là :…………………
C. Ba tính từ. Đó là :……………………
D. Bốn tính từ. Đó là :…………………

Câu 7. Chi tiết “Nước mắt cứ ứa ra, tôi chẳng buồn nghĩ đến con sáo nữa …” cho thấy điều gì ở người anh?
Câu 8. Câu kể : “ Sau lưng nó, con Vàng nằm bất động trên tờ báo” thuộc mẫu câu nào em đã học?
Thuộc mẫu câu:   . .................................
Câu 9.  Xác định vị ngữ trong câu “Tôi lấm lét nhìn cái Liên rồi lẳng lặng vào buồng, ngồi lặng lẽ.”?
Vị ngữ: .........................................

B. KIỂM TRA VIẾT
1. Viết chính tả:
2. Viết văn:
Đề bài: Hãy tả lại một con vật nuôi mà em thích.
ĐÁP ÁN
Câu 1. B
Câu 2. C
Câu 3. B
Câu 4. C
Câu 5. C.
Câu 6. C. Ba tính từ. Đó là: lấm lét, lẳng lặng, lặng lẽ
Câu 7. Chi tiết “Nước mắt ứa ra, tôi chẳng buồn nghĩ đến con sáo nữa...” cho thấy: Người anh thương con Vàng, ân hận vì đã làm cho Vàng chết.
Câu 8. Câu đã cho thuộc câu kể Ai làm gì?
Câu 9.  
- Chủ ngữ: Tôi
- Vị ngữ: lấm lét nhìn cái Liên rồi lẳng lặng vào buồng, ngồi lặng lẽ

B. KIỂM TRA VIẾT
1. Chính tả
2. Tập làm văn
Hãy tả lại một con vật nuôi mà em thích
BÀI LÀM:

Mỗi khi hè về em lại được về thăm quê nội. Quê nội có rất nhiều điều thú vị khiến em phải say mê, nhưng điều làm em ấn tượng và thích thú nhất là được chơi cùng chú trâu đáng yêu.

Hè năm ngoái em về chơi thì chú trâu mới được đón về cách đó ít lâu, khi đó nó còn là một con nghé xinh xắn, dễ thương. Thế mà bây giờ đã là một chú trâu đực to lớn, hùng dũng. Em phải nhón chân, với tay mới sờ được trên sống lưng nó. Thân hình của nó thật to lớn, vòng thân có lẽ lớn gấp tư cây dừa. Da nó dày và đen nhánh, trông thật khỏe và hơi dữ tợn. Cái đầu khá vuông vức, góc cạnh, trên có cặp sừng nhọn hoắt và cong vút. Cái mũi thật to, đen ươn ướt lúc nào cũng thở phì phì. Tuy dáng vẻ của nó nhìn rất mạnh mẽ và dữ tợn, nhưng cặp mắt thật hiền lành. Cặp mắt đen tròn, to như quả chanh, lúc nào cũng ươn ướt, có vẻ ngơ ngác rất dễ thương. Bốn chân lớn, bắp thịt cuồn cuộn, săn chắc. Cái đuôi dài, tận cùng là một chùm lông lúc nào cũng phe phẩy như cây phất trần của ông tiên. Nó cứ phe phẩy đuôi như thế để xua ruồi nhặng.

Về quê thấy lũ trẻ ở quê dắt trâu đi ăn, em cũng muốn được tận hưởng cảm giác ấy nên đã xin bà đưa trâu ra bãi cho trâu ăn. Vừa dắt ra khỏi cổng chuồng, chú trâu đực đã kêu lên "nghé... ọ....", giọng vang rền có vẻ sung sướng lắm. Em đòi bà bế lên ngồi trên lưng trâu để giống với lũ trẻ trong làng. Chắc nó đã nhận ra em là người bạn cũ của nó, nên mắt nó chớp vài cái có vẻ thân thiện. Chú trâu đi chầm chậm, bước những bước đủng định và vững vàng. Cái cảm giác được cưỡi trâu, ngồi trên lưng trâu, tay nắm lấy sừng trâu thật là tuyệt! Ra đến bãi sông, em nằm xoài trên bãi cỏ, chú trâu thong thả gặm cỏ non rất ngon lành. Khi tôi về thăm quê thì quê tôi cũng đã xong mùa vụ, trâu không phải lao động vất vả, chỉ việc đi kiếm ăn và về chuồng thôi. Ngày mùa trâu vất vả lắm, trâu phải kéo những xe lúa nặng trĩu vai, phải cày bừa những thửa ruộng lớn. Trâu làm việc rất chăm chỉ và luôn tuân theo sự chỉ dẫn của con người.

Em rất yêu quý trâu, nó rất gần gũi và là người bạn tri kỉ của nhà nông. Trâu đã làm rất nhiều việc giúp đỡ con người, và luôn nghe lời chỉ dẫn của con người. Giờ đây khi xã hội đã phát triển, các máy móc đã làm đỡ công việc của trâu, trâu đỡ vất vả hơn nhiều, nhưng tình cảm của người nông dân thì vẫn còn đó. Nhiều nhà vẫn nuôi trâu như một thói quen khó bỏ, như một người bạn mãi mãi gắn bó với nghề nông.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây