Giải bài tập nâng cao ngữ văn 6, đặc điểm của văn tự sự - Các yếu tố nghệ thuật cơ bản tạo nên một tác phẩm tự sự

Thứ tư - 06/11/2019 11:30
Hướng dẫn giải ngữ văn 6, Phần tập làm văn, Chương I. Văn tự sự, I. đặc điểm của văn tự sự - Các yếu tố nghệ thuật cơ bản tạo nên một tác phẩm tự sự

1. Cốt truyện
Cốt truyện là yếu tố đầu tiên của văn tự sự. Có thể coi đây là một trong những nét đặc trưng để phân biệt giữa văn tự sự với các phương thức biểu đạt khác như văn miêu tả, văn nghị luận, v.v. Tuỳ thuộc vào quy mô dài ngắn khác nhau của tác phẩm mà cốt truyện có thể phức tạp hoặc đơn giản, nhiều tình tiết hoặc ít tình tiết. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào thì cốt truyện của văn tự sự cũng phải đảm bảo gồm một chuỗi sự việc nối tiếp nhau trong một thời gian và không gian cụ thể, có nguyên nhân, có diễn biến, có điểm mở đầu và điểm kết thúc. Đặc biệt là cốt truyện phải có ý nghĩa nhất định. Thực tế cho thấy, chính sức hấp dẫn của cốt truyện sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo nên thành công của tác phẩm. Và ngược lại, nếu cốt truyện quá sơ sài, nhạt nhẽo thì sẽ không đủ điều kiện để tạo nên một tác phẩm hay, có sức chinh phục người đọc, người nghe.

Cốt truyện thường được tạo nên bởi một loại chất liệu cơ bản. Đó là các sự kiện với những tình tiết cụ thể. Hệ thống các sự kiện, tình tiết này không phải do nhà văn tạo ra mà thường đã có sẵn trong cuộc sống vốn dĩ đầy biến động, phong phú và phức tạp. Xét trong phạm vi gia đình thì có quan hệ con cái – bố mẹ, anh - chị - em, vợ - chồng, mẹ chồng - nàng dâu,... Xét về phạm vi xã hội thì có quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, quan hệ giữa con người với thiên nhiên, quan hệ giữa các dân tộc. Từ các mối quan hệ ấy nảy sinh ra biết bao nhiêu vấn đề : vấn đề đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái mới và cái cũ, sự cao thượng và thấp hèn ; vấn đề tình yêu thương, niềm tin, ước mơ, hi vọng ;... Từ các điểm nhìn khác nhau, với thái độ tình cảm khác nhau, các nhà văn đã khai thác những sự kiện ấy, lựa chọn, sắp xếp để tạo nên cốt truyện và hoàn thành tác phẩm của mình. Tính chân thật của hiện thực cuộc sống, tính chân thật của các sự kiện, tình tiết chính là yêu cầu đầu tiên mà cốt truyện trong văn tự sự phải đạt được. Đến với thể loại thần thoại, truyền thuyết, ta sẽ hiểu rõ thêm vấn đề này. Mặc dù thần thoại là sản phẩm của trí tưởng tượng, kể về các vị thần linh, nhưng vẫn bắt nguồn từ gốc rễ sâu xa là cuộc sống. Đằng sau hình tượng ông thần Trụ Trời của người Việt hay bà Nữ Oa vá trời của người Trung Quốc chẳng phải là bóng dáng của những con người lao động thời cổ đại đang bằng chính sức lao động của mình chinh phục và cải tạo thiên nhiên đó sao? Hay các truyền thuyết, dù đã được nhân dân thêu dệt bằng trí tưởng tượng, sử dụng nhiều yếu tố kì lạ hoang đường, nhưng vẫn giữ được cốt lõi hiện thực cuộc sống. Truyền thuyết Mị Châu, Trọng Thuỷ là một ví dụ. Đằng sau chi tiết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây Loa Thành, cho An Dương Vương móng của mình để làm lẫy nỏ thần, rẽ nước đưa An Dương Vương xuống biển khi nhà vua cùng đường,... ta vẫn thấy rõ một hiện thực lịch sử hào hùng mà đẫm nước mắt của cha ông ta thời An Dương Vương : Nhà vua Âu Lạc đã biết dựa vào nhân dân để giữ nước, nhưng chỉ vì chủ quan mà cuối cùng đất nước Âu Lạc đã rơi vào tay Triệu Đà, chấm dứt thời kì độc lập, chuyển sang nghìn năm Bắc thuộc.

2. Nhân vật
Văn tự sự chính là kể chuyện - kể chuyện đời, chuyện người. Do đó, nhân vật là một yếu tố nghệ thuật hết sức quan trọng, không thể thiếu được của mỗi tác phẩm tự sự. Có thể khẳng định rằng nhân vật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện nhân thức của nhà văn và trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Khái niệm nhân vật cần phải được hiểu theo một nghĩa rộng. Trước hết, nhân vật là những con người bằng xương bằng thịt, có tên tuổi, có diện mạo, tính cách, có cuộc đời riêng (vợ chồng ông lão đánh cá trong truyện cổ tích ông lão đánh cá và con cá vàng theo lời kể của Pu-skin ; ông Tư trong truyện Giấc mơ ông lão vườn chim của Anh Đức ; Đan-cổ trong truyện Trái tim Đan-cô của Gor-ki,...)
Nhân vật có thể là các vị thần hoặc bán thần như trong thần thoại, truyền thuyết (thần Trụ Trời trong thần thoại của người Việt; bà Nữ Oa vá trời trong thần thoại của người Trung Quốc ; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh trong truyền thuyết cùng tên, V.V.). Và đặc biệt, nhân vật còn có thể là loài vật, sự vật đã được nhân cách hoá, mang bóng dáng, tính cách của con người, thể hiện cuộc sống của thế giới con người (chẳng hạn như các nhân vật Dế Mèn, Dế Trũi, Dế Choắt, Bọ Ngựa, Xiến Tóc, Châu Chấu, Voi, Kiến,... trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài ; hoặc là Mèo Con, Gián Đất, Cây Cau, Chuột Chù và lũ Chuột Nhắt trong tác phẩm Cái Tết của Mèo Con – Nguyễn Đình Thi).

Thế giới nhân vật trong tác phẩm tự sự rất đa dạng, phong phú. Nếu xét về vai trò thì có nhân vật chính, nhân vật phụ. Nhân vật chính là những nhân vật xuất hiện nhiều, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm, chi phối toàn bộ diễn biến của cốt truyện. Còn nhân vật phụ là những nhân vật xuất hiện ít hơn, đóng vai trò bổ trợ để làm nổi bật hình tượng nhân vật chính cũng như chủ đề của tác phẩm (trong truyền thuyết Thánh Gióng, Thánh Gióng là nhân vật chính ; người mẹ, sứ giả, nhà vua. dân làng,... là nhân vật phụ. Trong truỵện cổ tích Cây bút thần của Trung Quốc, Mã Lương là nhân vật chính ; cụ già trong mơ, tôn địa chủ, nhà vua,... là nhân vật phụ, v.v.). Tuy nhiên, dưới ngòi bút đặc sắc của các nhà văn, có nhiều nhân vật phụ dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng vẫn để lại những ấn tượng khá đậm nét cho người đọc, người nghe (chẳng hạn như các nhân vật Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư,... trong Truyện Kiều của Nguyễn Du ; chú tiểu đồng trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, v.v.). Nếu xét về phương diện tư tưởng, về điểm nhìn của các nhà văn dối với nhân vật thì có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện là những nhân vật tốt, tích cực, thể hiện được chuẩn mực đạo đức của một thời đại, một giai cấp, một tầng lớp, một dân tộc và được nhà văn miêu tả, xây dựng với một thái độ trân trọng, khẳng định, ngợi ca. Còn nhân vật phản diện thường là nhân vật mang nét tính cách xấu, trái với đạo lí, được nhà vàn miêu tả, xây dựng với thái độ phê phán, phủ định. Hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện thường tạo nên quan hệ mâu thuẫn, đối kháng với nhau trong tác phẩm (ở truyện cổ tích Tấm Cám, nhân vật chính diện là cô Tấm, nhân vật phản diên là mẹ con Cám. Ở truyện cổ tích Sọ Dừa, .Sọ Dừa và cô Út là nhân vật chính diện, hai cô chị là nhân vật phản diện).

Khi xây dựng nhân vật, các nhà văn phải rất dụng công. Thông thường, nhân vật trong tác phẩm tự sự được xây dựng nên từ những nguyên mẫu nào đó ngoài cuộc đời. Tuy nhiên, nhà văn không bao giờ bê nguyên mẫu ấy vào tác phẩm một cách máy móc, mà phải có sự gia công đầy sáng tạo. Thậm chí, phải từ nhiều nguyên mẫu để tạo ra một nhân vật. Hay nói đúng hơn, nhà văn chọn một nguyên mẫu chính, rồi dùng kiến thức thực tế của mình về những mẫu người tương tự để bổi đắp, điều chỉnh và hoàn thiện dần. Làm thế nào khi trở thành một nhân vật thì nhân vật ấy phải hiện lên thật sống động với một cái tên cụ thể, với một hình dáng cụ thể (trang phục, diện mạo, hành động, lời nói,...) ; với một tính cách cụ thể (tốt - xấu, hiền - dữ, thông minh - đần độn, cao thượng - thấp hèn,...). Việc đặt tên cho nhân vật cũng là một vấn đề, thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhiều trường hợp cái tên cũng phần nào đó nói lên tính cách của nhân vật : Tên đẹp và quý dành cho nhân vật có tính cách cao thượng - nhân vật chính diện ; tên xấu dành cho kẻ ác, kẻ xấu - nhân vật phản diện. Đối với một số trường hợp, nhà văn có thể gọi tên nhân vật bằng một đặc điểm nào đó về ngoại hình, về tính cách (Sọ Dừa, cô bé quàng khăn đỏ, Lọ Lem,...); hoặc gọi tên nhân vật bằng nghề nghiệp (ông lão đánh cá, cô bé bán diêm, bác tiều, ông ngư,...).

Số lượng các nhân vật trong tác phẩm cũng là một vấn đề. Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ xuất hiện trong tác phẩm cũng đều đóng một vai trò nào đó trong việc thể hiện chủ đề. Không nên có những nhân vật thừa. Thông thường ở những tác phẩm lớn, đồ sộ về dung lượng, về chủ đề thì các nhà văn phải huy động một số lượng nhân vật lớn. Ngược lại, những tác phẩm ngắn thì số nhân vật sẽ ít. Có nhiều tác phẩm chỉ cần hai đến ba nhân vật (truyện cổ tích Trí khôn của tao đây ; truyện cười Thế thì không mất, Sang cả mình con ; truyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa,...). Thậm chí, có những truyện chỉ cần một nhân vật.

3. Các chi tiết nghệ thuật
Như trên đã trình bày, cốt truyện phải được tạo nên bởi một chuỗi những sự việc, những chi tiết nghệ thuật. Có những chi tiết lớn, đóng vai trò chính để dẫn dắt cốt truyện ; lại có những chi tiết nhỏ, chỉ đóng vai trò bổ trợ, làm rõ những chi tiết lớn. Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ thì sự xuất hiện của các chi tiết nghệ thuật đều có ý nghĩa trong việc bộc lộ chủ đề của tác phẩm cũng như làm nổi bật đặc điểm của các nhân vật (về cả ngoại hình lẫn tính cách).

Trong truyện ngụ ngôn Đeo nhạc cho mèo, ta có thể nhận thấy một chuỗi chi tiết chính:
Chi tiết thứ nhất: Cả làng chuột tề tựu nghe ông Cống bàn kế mua nhạc buộc vào cổ mèo để ngăn ngừa hậu hoạ bị mèo rình bắt lén.

Chi tiết thứ hai : Khi nhạc dã kiếm được, hội đồng Chuột họp lại, đùn đẩy nhau để cử người ra thực hiện kế sách đeo nhạc cho mèo.

Chi tiết thứ ba : Chuột Chù chậm chạp lãnh trách nhiệm, nhưng vừa thấy mèo nhe nanh, giương vuốt đã bỏ chạy khiến cho kế hoạch hoàn toàn thất bại.

Trong chi tiết chính thứ hai, bao gồm nhiều chi tiết nhỏ tạo nên. Ban đầu, cả hội đồng Chuột "Con nào, con nấy lao xao hớn hở". Khi bàn đến việc ai sẽ đeo nhạc vào cổ mèo thì "Cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả". Nhắc đến ông Cống thì ông Cống đưa thứ bậc ra để chối phắt. Đẩy đến Nhắt thì Nhắt láu lỉnh đùn sang cho Chù. Chù thật thà, châm chạp, không biết cãi phải nhân lời...

Theo dõi toàn bộ câu chuyện, ta sẽ thấy qua hộ thống các chi tiết lớn nhỏ, tác giả dân gian đã làm nổi bật được thái độ mỉa mai đối với cái kế hoạch đeo nhạc cho mèo của hội đồng Chuột. Đây là một kế hoạch không có tính thực thi nên kết cục đã thất bại thảm hại. Thêm vào đó, nhờ các chi tiết nhỏ mà tác giả dân gian đã xây dựng thành công chân dung các nhân vật trong tác phẩm, qua đó gợi lên hình ảnh một số kiểu người trong xã hội nông thôn xưa : Ông Cống "rung rinh béo tốt", "lên giọng kẻ cả" làm ra bộ bệ vê, gợi lên chân dung những ông "lí toét", "xã xệ" ăn trên ngồi trốc trong làng ; thằng Nhắt láu cá gợi lên hình ảnh loại người "dở ông dở thằng", tinh ranh, khôn lỏi, cơ hội đầy rẫy trong xã hội thôn quê thuở xưa.

Chuột Chù gợi lên hình ảnh loại người đầy tớ, tay sai hèn kém, thấp cổ bé họng, chịu nhiều thiệt thòi khổ nhục. Tất cả góp phần dựng lại cái gọi là "việc làng" cổ hủ ngày xưa với các thứ hội họp vô tích sự.

Khi đưa chi tiết vào tác phẩm, bao giờ nhà văn cũng phải có sự lựa chọn thật tinh tế, công phu. Số lượng chi tiết nhiều hay ít không quan trọng. Điều đáng phải lưu tâm là mỗi chi tiết dù lớn hay nhỏ đều có ý nghĩa đóng một vai trò nào đó trong việc thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Thông thường, ở những tác phẩm nghệ thuật thành công, cũng xuất hiện những chi tiết nghệ thuật đặc sắc được coi là điểm sáng. Chẳng hạn như chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kì mạn lục - Nguyễn Du). Chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng nó chính là điểm nút của toàn bộ câu chuyện, vừa góp phần thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật Vũ Nương (nhớ chồng, thương con nên đêm đêm nàng chỉ cái bóng mình trên vách mà bảo đó là cha của bé Đản); vừa là nguyên cớ trực tiếp tạo nên cái bi kịch đau đớn cho chính nàng và cho cả gia đình (vì tin lời mẹ mà bé Đản không chịu nhận Trương Sinh là cha, khiến cho chàng Trương nghi ngờ, ghen tuông, đánh đập và ruồng rẩy Vũ Nương, đẩy Vũ Nương vào cái chết oan khuất); đồng thời cái bóng cũng lại đóng vai trò minh oan cho Vũ Nương (sau khi Vũ Nương chết, đêm đến, bé Đản chỉ cái bóng Trương Sinh trên vách và gọi đó là cha, khiến cho Trương Sinh bàng hoàng, hiểu ra nỗi oan của vợ. Nhưng tất cả đều đã muộn màng). Hay chi tiết kết thúc truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh) cũng là một chi tiết bất ngờ làm sáng lên toàn bộ cốt truyện. Đó chính là chi tiết người anh "giật sững người", "ngỡ ngàng", "hãnh diện", "xấu hổ ", "muốn khóc" khi nhận ra cậu bé đang ngồi suy tư, mơ mộng trong bức tranh mà em gái đã vẽ khi tham gia trại thi vẽ quốc tế chính là mình. Chi tiết này góp phần lí giải một loạt những chi tiết ở trên : người anh thì luôn luôn mặc cảm về sự "bất tài", cho rằng mình "bị đẩy ra ngoài" nên sinh lòng ghen ghét đối với em (nhưng dưới cái nhìn của cô em gái được thể hiện qua bức tranh thì anh trai mình lại rất "hoàn hảo"). Trước cuộc thi vẽ, cô em gái lại có vẻ "cứ hay xét nét" người anh làm người anh khó chịu (thực ra đó là cô em đang quan sát để cảm nhận, nhập tâm một hình ảnh "thân thuộc nhất" của mình, chuẩn bị cho cuộc thi)... Chỉ bằng sự liên kết khéo léo, tinh tế các chi tiết nghệ thuật mà nhà văn Tạ Duy Anh đã làm nổi bật được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật người em gái - cô bé Kiều Phương. Đồng thời cũng gửi gắm trong tác phẩm của mình bức thông điệp về tình cảm gia đình, về tình anh em thân thiết.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây