Hướng dẫn học Văn 8, Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

Chủ nhật - 22/09/2019 13:34
Hướng dẫn học Văn 8, Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh
A. LÝ THUYẾT
1. Nhận dạng các đoạn văn thuyết minh
- Một bài văn thuyết minh thường gồm nhiều ý lớn. Mỗi ý nên viết thành một đoạn văn để người đọc dễ nhận diện, dễ phân biệt, trên cơ sở đó nắm được cấu trúc chung của cả bài.
- Trong đoạn văn, câu chủ đề là câu nêu ý lớn của cả đoạn. Câu chủ đề có thể xuất hiện ở đầu đoạn văn, khi đó đoạn văn sẽ được viết theo cấu trúc diễn dịch. Câu chủ đề cũng có thể xuất hiện ở cuối đoạn văn, khi đó đoạn văn được viết theo cấu trúc quy nạp. Đôi khi, người viết kếp hợp cả hai kiểu cấu trúc trên nhưng dù theo cấu trúc nào thì các câu trong đoạn cũng phải bám sát ý của câu chủ đề, làm sáng tỏ ý của câu chủ đề (tránh lẫn ý của đoạn văn khác vào).
- Khi viết đoạn văn thuyết minh, người viết có thể trình bày theo thứ tự cấu tạo của sự vật, theo thứ tự nhận thức (từ tổng thể đến bộ phận, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần), theo thứ tự diễn biến sự việc trong thời gian trước sau hay theo thứ tự chính phụ (cái chính nói trước, cái phụ nói sau). Cách trình bày trên giúp cho người đọc dễ dàng hình dung đối tượng được thuyết minh.
Ví dụ:
Đọc các đoạn văn thuyết minh sau. Nêu cách sắp xếp các câu trong đoạn.
(1) Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nước ngọt chỉ chiếm 3% tổng lượng nước trên trái đất. Lượng nước ít ỏi ấy đang ngày càng bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp. Ở các nước thứ ba, hơn một tỉ người phải uống nước bị ô nhiễm. Đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới sẽ thiếu nước.
                                                                        (Theo Hoa học trò)
(2) Phạm Văn Đồng (1906 - 2000): Nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hóa lớn, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, ông tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, từng là Thủ tướng Chính phủ trên ba mươi năm. Ông là học trò và là người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
                                                                            (Ngữ văn 7, tập hai)
- Trong đoạn văn (1), câu chủ đề là câu thứ nhất. Các câu sau triển khai làm rõ nội dung của câu chủ đề.
- Trong đoạn văn (2), từ Phạm Văn Đồng đóng vai trò là từ ngữ chủ đề. Các câu sau dấu hai chấm tiếp tục cung cấp những thông tin về Phạm Văn Đồng theo kiểu liệt kê.

2. Sửa lại các đoạn văn thuyết minh chưa chuẩn
Nhận xét về nhược điểm của hai đoạn văn thuyết sau:
a) Bút bi khác bút mực là do nó có hòn bi nhỏ ở đầu ngòi bút, khi viết hòn bi lăn làm mực trong ống nhựa chạy ra, ghi thành chữ. Ngoài ống nhựa có vỏ bút bi. Đầu bút bi có nắp đậy có thể móc vào túi áo. Loại bút bi không có nắp đậy thì có lò xo và nút bấm. Khi viết thì ấn vào đầu cán bút cho ngòi bút trồi ra, khi thôi viết thì ấn nút bấm cho ngòi bút thụt vào.
                                                                      (Bài làm của học sinh)
b) Nhà em có chiếc đèn bàn. Đèn bàn có một ống thép không gỉ thẳng đứng, trên gắn một cái đui đèn, được làm bằng một ống thuỷ tinh vững chãi. Trên bóng đèn có chao đèn làm bằng vải lụa, có khung sắt ở trong và có vòng thép gắn vào bóng đèn. Ống thép rỗng, dây điện luồn ở trong đó, trên đế đèn có công tắt để bật đèn hoặc tắt đèn rất tiện lợi.
                                                                          (Bài làm của học sinh)
Phần thuyết minh của cả hai đoạn văn khá lộn xộn, chưa có được bố cục rõ ràng. Để thuyết minh về cây bút bi và chiếc đèn bàn thì có thể triển khai thành hai đoạn: một đoạn thuyết minh về đặc điểm (của từng bộ phận), đoạn kia nên thuyết minh về công dụng và cách sử dụng các phương tiện ấy.

B. THỰC HÀNH

1. Với đề bài "Giới thiệu trường em", có thể tham khảo hai đoạn văn sau:
Mở bài: Trường trung học cơ sở nơi em học là một ngôi trường lớn nhất trong vùng. Em rất vui vì được học ở ngôi trường mà trước đây anh chị em đã từng học.
Kết bài: Ngôi trường em học là một ngôi trường đẹp. Biết hao kỉ niệm buồn vui của em đã diễn ra ở đây. Chỉ còn hai năm nữa là em sẽ thi tốt nghiệp, sẽ chuyển đến một ngôi trường Trung học phổ thông. Em nghĩ phải làm thế nào để khi rời trường, khi em đã trưởng thành, ấn tượng tốt đẹp của nó vẫn còn mãi mãi.

2. Về đoạn văn này, có thể tham khảo đoạn viết về bác Phạm Văn Đồng. Hãy giới thiệu tóm tắt quê quán của Bác Hồ, năm Bác ra nước ngoài tìm đường cứu nước, những chức vụ quan trọng mà Người đã từng đảm nhiệm. Đặc biệt là sự lãnh đạo tài tình của Bác đã đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi quan trọng.

3. Em hãy viết khái quát theo các ý sau:
- Sách Ngữ văn 8, tập một gồm có 17 bài học.
- Mỗi bài học thường gồm 3 phân môn: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Tuy nhiên, không phải bài nào cũng giống hệt nhau, có bài chỉ có 2 phân môn, có bài lại thêm cả phần ôn tập, kiểm tra.
- Với mỗi phân môn lại có một cách trình bày phù hợp với đặc điểm riêng. Ví dụ, phân môn Văn thường có các mục: Văn bản, Chú thích, Đọc - Hiểu văn bản, Ghi nhớ, Luyện tập; phân môn Tập làm văn thường có các mục: Nội dung (theo từng bài) và Luyện tập.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây