Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh

Thứ hai - 07/12/2020 09:16
Ngoài tính chuẩn xác, văn bản thuyết minh còn phải hấp dẫn. Nếu không có tính hấp dẫn, nghĩa là không có sức lôi cuốn chú ý thì người ta sẽ không thích thú đọc. Khi văn bản không được đón nhận thì không có tác dụng gì. Vì vậy, tính hấp dẫn vô cùng cần thiết.
Bồi dưỡng Ngữ Văn 10, Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh

TÍNH CHUẨN XÁC, HẤP DẪN CỦA VĂN BẢN THUYẾT MINH

A. NHỮNG KIẾN THỨC CẦN LƯU Ý

1. Cốt lõi của văn bản thuyết minh là những tri thức về sự vật, hiện tượng. Nếu văn bản thiếu chính xác thì mục đích của thuyết minh sẽ không đạt được. Chuẩn xác là yêu cầu đầu tiên và cũng là yêu cầu quan trọng nhất của văn bản thuyết minh. Muốn văn bản thuyết minh đạt chuẩn xác cần chú ý:
      a) Những tri thức được giới thiệu, trình bày phải có cơ sở khoa học, phải được kiểm chứng và phải phù hợp với chuẩn mực được công nhận, chứ không phải  những phỏng đoán mơ hồ, thiếu căn cứ.
      b) Bản chất của công việc thuyết minh yêu cầu người làm bài phải tôn trọng thực tế khách quan. Không thể để những chi tiết hư cấu hay những cách nói khoa trương, cường điệu trong văn bản thuyết minh. Tính khách quan cùng với tính khoa học luôn luôn thuộc vào những đặc điểm quan trọng  nhất của văn bản thuyết minh.
2. Ngoài tính chuẩn xác, văn bản thuyết minh còn phải hấp dẫn. Nếu không có tính hấp dẫn, nghĩa là không có sức lôi cuốn chú ý thì người ta sẽ không thích thú đọc. Khi văn bản không được đón nhận thì không có tác dụng gì. Vì vậy, tính hấp dẫn vô cùng cần thiết.

B. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tính chuẩn xác trong văn bản thuyết minh

a) Trong một bài văn thuyết minh về chương trình học, có người viết: “Ở lớp 10 THPT, học sinh chỉ được học văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, câu đố).
      Đối chiếu với chương trình văn học được học ở lớp 10, ta thấy câu văn trong bài thuyết minh về chương trình học văn của lớp 10 là không chuẩn xác vì:
      - Chương trình Ngữ văn 10 không phải chỉ có văn học dân gian. Ngoài văn học dân gian còn có văn học viết, cụ thể là văn học viết từ thế kỉ thứ X đến hết thế kỉ XIX.
      - Về văn học dân gian, chương trình Ngữ văn 10 không phải chỉ có ca dao tục ngữ. Ngoài ca dao tục ngữ còn có các thể loại khác như sử  thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện thơ.
      - Chương trình Ngữ văn 10 không có câu đố.
b) Câu văn sau:
      Gọi Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn vì đó là bài văn hùng tráng đã được viết ra từ nghìn năm trước.
      Có một điểm không chính xác .
      Thiên cổ hùng văn là áng văn của nghìn đời chứ không phải là áng hùng văn được viết cách đây một nghìn năm. Thực ra, Bình Ngô đại cáo được viết vào năm 1428, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh đã toàn thắng, đất nước dành được độc lập. Nói áng hùng văn của nghìn đời là nhằm khẳng định giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm chứ không nhằm xác định thời gian sáng tác.
c) Khi thuyết minh về nhà thơ thì nội dung thuyết minh phải là vấn đề có liên quan và thuộc lĩnh vực sáng tác thơ. Văn bản mà sách giáo khoa đưa ra chỉ là những nội dung về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm chứ chưa viết về ông với tư cách là một nhà thơ. Vì vậy không thể chỉ sử dụng văn bản ấy để thuyết minh về nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được.

2. Tính hấp dẫn của văn bản thuyết minh

a) Phân tích biện pháp làm cho luận điểm “Nếu bị tước đi môi trường kích thích, bộ não của đứa trẻ sẽ phải chịu đựng kìm hãm” trở nên cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn.
      Trong đoạn văn này, câu Nếu bị tước đi môi trường kích thích, bộ não của đứa trẻ sẽ phải chịu đựng kìm hãm là luận điểm khái quát. Câu tiếp theo, tác giả đã đưa ra những chi tiết cụ thể về bộ não của đứa trẻ ít được chơi đừa hoặc tiếp xúc, câu 3 và 4 là bộ não của con chuột được nuôi trong cũi có rãi đồ chơi và nhốt trong hộp trống rỗng để làm sáng tỏ luận điểm. Cách như thế là cho người đọc hiểu một cách dễ dàng, cụ thể và không kém phần hấp dẫn.
b) Phân tích tác dụng tạo hứng thú của việc kể lại truyền thuyết về hòn đảo An Mạ trong đoạn trích.
      Việc hình thành hồ Ba Bể và hòn An Mạ có nhiều cách thuyết minh. Nhà Địa lí học sẽ thuyết minh theo kiểu khác. Ở đây, tác giả Bùi Văn Định đã căb cứ vào truyền thuyết dân gian để thuyết minh khiến cho người đọc như được sống lại thời xa xưa, đưa ta về thế giới thần tiên, kì ảo, hoà mình vào thế giới của những câu chuyện hoang đường bao đời nay làm đắm say lòng người. Đọc đoạn trích khiến trong ta trào dâng những cảm xúc và tâm hồn ta sẽ giàu có và sâu sắc hơn. Cách thuyết minh như thế đã tạo được tính hấp dẫn của văn bản.

C. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP THỰC HÀNH

* Phân tích tính hấp dẫn của đoạn trích trong “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng.
Đoạn văn Vũ Bằng viết hấp dẫn vì:
a) Tác giả đã sử dụng rất linh hoạt các kiểu câu: câu đơn, câu ghép, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu khẳng định.
b) Dùng những từ ngữ giàu tính hình tượng: bó hành xanh như lá mạ, một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu…
c) Kết hợp nhiều giác quan và liên tưởng khi quan sát. Những từ giàu tính hình tượng như trên cho thấy tác giả có nhiều liên tưởng khi quan sát. Câu … mùi phở cũng đã có một sức huyền bí… tác giả quan sát bằng khứu giác; Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở: thật là cả một bài trí nên thơ là sự quan sát bằng thị giác và cả bằng tâm hồn của nhà văn,…
d) Trong đoạn văn, có lúc tác giả bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình: Trông mà thèm quá: Có ai lại đừng vào ăn cho được.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây