Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Phương châm hội thoại: về lượng, về chất

Chủ nhật - 01/09/2019 10:40
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Phương châm hội thoại: về lượng, về chất
  Các phương châm hội thoại

1. Hội thoại là gì ? - Hội thoại nghĩa là nói chuyện với nhau.
                                                       (Từ điển từ Hán Việt - Phan Văn Các)
Hội thoại là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mọi người. Có thể hiểu nhau bằng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười,... nhưng hội thoại chủ yếu bằng ngôn ngữ. Trẻ em tập nói là bắt đầu biết hội thoại, đúng như tục ngữ đã chỉ rõ: "Trẻ lên ba cả nhà tập nói”.
Nói đến hội thoại là nói đến giao tiếp. Nhân dân ta có câu tục ngữ:  "Án không nên đọi, nói không nên lời” nhằm chê những kẻ không biết ăn nói lúc giao tiếp.
2. Các phương châm hội thoại:
Văn minh ứng xử là một nét đẹp của nhân cách văn hóa. “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là những cách học mà ai cũng cần học, cần biết.
Có thể nêu lên một số phương châm hội thoại như sau: Phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức, phương châm lịch sự....
a. Phương châm về lượng:
Lúc nói, lời nói phải có ý, không thừa, không thiếu; nội dung của lời nói lúc giao tiếp phải phù hợp với điều đang giao tiếp. Đó là phương châm về lượng.
* Ví dụ, trong truyện “Trí khôn của tao đây !” có 3 nhân vật: Hồ, con trâu và người nông dân. Cái điều mà Hồ muốn biết, muốn được xem là “cái trí khôn” của người. Mọi lời hỏi - đáp đều xoay quanh nội dung đó:
     "Từ rừng sâu đi ra, Hồ ngạc nhiên lắm trước cảnh một con trâu kéo cày đi trước, một người nhỏ bé đi sau, tay cầm cày, tay cầm roi. Hồ mon men đến gần, nhỏ nhẹ hỏi trâu:
     - Này anh trâu! Sao anh to lớn thế kia mà để cho người bé điều khiển?
     - Người nhỏ bé nhưng có trí khôn.
     - Trí khôn là cái gì ?
     - Anh đến hỏi người thì sẽ biết.
      Hồ đến trước mặt người nông dân ôn tồn hỏi:
      - Anh có thể cho tôi xem cái trí khôn của anh có được không?
       Ngẫm nghĩ một lát, anh nông dân ra vẻ thật thà nói với HỒ:
      - Cái trí khôn tôi để ở nhà
     - Anh có thể về nhà lấy cái trí khôn của anh cho tôi xem một lát có được không?
…”
 
 
 
 Có thể xem đây là một đoạn hội thoại giữa Hồ, trâu và người. Tất cả lời nói của 3 nhân vật không thừa, không thiếu, thể hiện rõ nội dung giao tiếp: “cái trí khôn của người mà Hồ muốn biết, muốn xem”.
* Trong giao tiếp, có lúc vì sơ ý hay vội vàng, người nói diễn đạt mơ hồ, thiếu rõ ràng, cụ thể, khiến cho người nghe hiểu lầm.
Ví dụ, truyện cười Tây Ban Nha “Hết bao láu”:
“Một bà già tới phòng bán vé máy bay hỏi:
- Xin làm ơn cho biết từ Madrid tới Mêhicô bay hết bao lâu?
Nhân viên bán vé máy bay đang bận việc gì đó liền đáp:
- Một phút nhé!
- Xin cám ơn - bà già đáp và đi ra”.
 
Câu trả lời của người bán vé, ý nói hãy đợi cho một phút rồi sẽ trả lời, nhưng nói quá ngắn: “Một phút nhé”. Vì thế bà già cảm thấy mình bị giễu nên khó chịu, đi ra...
* Có thể xem bài Tập làm văn là một văn bản hội thoại giữa học sinh với thầy giáo cô giáo chấm bài. Vì không đọc kĩ đề bài, nắm đúng yêu cầu đề bài, nên nhiều em bị thầy giáo, cô giáo phê là lan man, thừa ý, thiếu ý... Đó là khuyết điểm phương châm về lượng, rất dễ dàng khắc phục được.
b. Phương châm về chất:
Khi giao tiếp, phải nói đúng sự thật, nói đúng cái tâm của mình, đúng tấm lòng của mình. Không nên, không được nghĩ một đàng, nói một nẻo, nói thế này mà làm thế khác. Đừng nói những điều mà mình tin là không đúng hay không có bằng chứng xác thực. Nói đúng sự thật là phương châm về chất trong hội thoại.
* Ví dụ,
+ Trong phần đầu “Bình Ngô đại cáo”, Nguyên Trãi viết:
                              ... “Vậy nên Lưu Cung tham công nên thất bại,
                               Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
                               Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
                               Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
                               Việc xưa xem xét
                                Chứng cớ còn ghi”...
 
 Nguyễn Trãi đã nêu lên những chứng cớ lịch sử, làm cho giọng văn đanh thép hùng hồn, khẳng định sức mạnh nhân nghĩa Đại Việt với tất cả niềm tự hào. Phương châm về chất được thể hiện rất rõ trong lời văn của Nguyễn Trãi.
+ Những chứng cớ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong đoạn văn sau là những sự thật lịch sử không thể nào chối cãi được, nhằm lên án, kết tội thực dân Pháp trong 80 năm thống trị đất nước ta:
‘ ...”Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.
                                                                        (Trích Tuyên ngôn Độc lập)
 
 Những tội ác ghê tởm của thực dân Pháp đã bị căm thù lên án, nỗi nhục vong quốc nô được giãi bày một cách cụ thể, xác thực. Phương châm về chất đã tạo nên tính tư tưởng của đoạn văn này. 
+ Những truyện cười dân gian như “Quả bí với cái nồi đồng”, “Con rắn vuông”, “Đi mây về gió”, “Một tấc đến trời”... đều chế giễu, châm biếm những kẻ ăn nói khoác lác ở đời.
Con rắn vuông
Có một tay hay nói khoác. Vợ hắn đi đâu cũng nghe thiên hạ xì xào: “Vợ thằng Cu Cuội đấy! Vợ anh Cu Cuội kìa!”. Những lúc ấy, chị ta cảm thấy không còn lỗ nẻ để mà chui xuống!
Hôm nay, vừa bước chân vô nhà, thấy vợ, anh ta vừa thở vừa nói:
- Mình ơi! Tôi vừa trông thấy một con rắn lạ, rất to rất dài; dài đến 100 thước, to đến 40 thước đấy!
- Rắn chi mà dài thế? Khó mà tin!
- Nó dài lắm, không một trăm thì cũng tám chục thước!
- Vẫn không tin!
- Thế thì nó dài 60 thước đấy!
- Mình nghĩ lại đi, rắn chi mà rắn dài thế! Ai mà tin được.
- Thật đấy, nó dài đến 40 thước. Mình không tin thì thôi!
Vừa nghe chồng nói, chị vợ cười ré lên:
- Rắn chi mà kì dị thế! Dài 40 thước, to cũng 40 thước. Thế ra là con rắn vuông à!
                                                                   (Truyện cười dân gian Việt Nam)
+ Trong ngôn ngữ dân tộc có những thành ngữ, từ ngữ nêu lên một cách hàm súc, hóm hỉnh để chí rõ một cách nói, một hạng người trong giao tiếp:
- Nói có căn cứ chắc chắn là nói có sách, mách có chứng.
- Nói sai sự thật một cách cố ý, nhằm che giấu điều gì đó là nói dối.
- Nói một cách hú họa, không có căn cứ là nói mò.
- Nói nhảm nhí, vu vơ là nói nhăng nói cuội.
- Nói khoác lác, làm ra vẻ tài giỏi hoặc nói những chuyện bông đùa, khoác lác cho vui là nói trạng.
 
 Các từ ngữ, thành ngữ: “nói có sách, mách có chứng”, “nói dối”, “nói mò”, “nói nhăng nói cuội”, “nói trạng” - đều chỉ những cách nói liên quan đến “phương châm hội thoại về chất”.
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây