Giải bài tập nâng cao ngữ văn 6, Ẩn dụ

Thứ ba - 29/10/2019 11:07
Hướng dẫn giải ngữ văn 6, Phần tiếng việt, chương I; Từ vựng - Ẩn dụ

I - NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN NẮM VỮNG
1. Thế nào là ẩn dụ ?
Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng quen thuộc nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ẩn dụ thực chất là một kiểu so sánh ngầm trong đó yếu tố được so sánh giảm đi chỉ còn yếu tố làm chuẩn so sánh được nêu lên.

Muốn có được phép ẩn dụ thì giữa hai sự vật, hiện tượng được so sánh ngầm phải có nét tương đồng quen thuộc nếu không sẽ trở nên khó hiểu.

Câu thơ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
                                                                                    (Viễn Phương)
mặt trời ở dòng thơ thứ hai chính là ẩn dụ.
Ca dao có câu :
Thuyền về có nhớ bển chăng ?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Bến được lấy làm ẩn dụ để lâm thời biểu thị người có tấm lòng thuỷ chung chờ đợi, bởi những hình ảnh cây đa, bến nước thường gắn với những gì không thay đổi là đặc điểm quen thuộc ở những con người có tấm lòng chung thuỷ.

Ẩn dụ chính là một phép chuyển nghĩa lâm thời khác với phép chuyển nghĩa thường xuyên trong từ vựng. Trong phép ẩn dụ, từ chỉ được chuyển nghĩa lâm thời mà thôi.

2. Các kiểu ẩn dụ
Dựa vào bản chất của sự vật, hiện tượng được đưa ra so sánh ngầm, ta chia ẩn dụ thành các loại sau :

+ Ẩn dụ hình tượng là cách gọi sự vật A băng sự vật B.
Ví dụ :                   Người Cha mái tóc bạc
                                                                                                     (Minh Huệ)
Lấy hình tượng Người Cha để chỉ Bác Hồ.

+ Ẩn dụ cách thức là cách gọi hiện tượng A bằng hiện tượng B.
Ví dụ : Về thăm quê Bác làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.
                                                                                               (Nguyễn Đức Mậu)
Nhìn "hàng râm bụt" với những bông hoa đỏ rực, tác giả tưởng như những ngọn đèn "thắp lên lửa hồng".
+ Ẩn dụ phẩm chất là cách lấy phẩm chất của sự vật A để chỉ phẩm chất của sự vật B.

Ví dụ :  Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Tròn và dài được lâm thời chỉ những phẩm chất của sự vật B.

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác là những ẩn dụ trong đó B là một cảm giác vốn thuộc một loại giác quan dùng để chỉ những cảm giác A vốn thuộc các loại giác quan khác hoặc cảm xúc nội tâm. Nói gọn là lấy cảm giác A để chỉ cảm giác B.
Ví dụ:   Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
Huế giải phóng nhanh mà anh lại muộn về.
                                                                                                           (Tố Hữu)

3. Tác dụng của ẩn dụ
Ẩn dụ làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh và mang tính hàm súc. Sức mạnh của ẩn dụ chính là tính biểu cảm. Cùng một đối tượng nhưng ta có nhiều cách thức diễn đạt khác nhau (thuyền - biển, mận - đào, thuyền - bến, biển - bờ) cho nên một ẩn dụ có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau. Ẩn dụ luôn biểu hiện những hàm ý mà phải suy ra mới hiểu. Chính vì thế mà ẩn dụ làm cho câu văn giàu hình ảnh và hàm súc, lôi cuốn người đọc, người nghe.

Ví dụ : Trong câu : Người Cha mái tóc bạc nếu thay Bác Hồ mái tóc bạc thì tính biểu cảm sẽ mất đi.

II - BÀI TẬP
1. Xác dịnh các kiểu ẩn dụ trong các câu sau đây :
- Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
                                    (Minh Huệ)
- Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
                                      (Ca dao)
- Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn ?
                                     (Ca dao)
- Chỉ có thuyền mới biết
Biển mênh mông nhường nào.
                                  (Xuân Quỳnh)
- Này lắng nghe em khúc nhạc thơm.
                                  (Xuân Diệu)
- Em thấy cơn mưa rào
Ngập tiếng cười của bố.
                                (Phan Thế Khải)

 
2. Ẩn dụ sau đây thuộc kiểu ẩn dụ nào ? Sử dụng ẩn dụ như vậy có tác dụng gì?
"Mà bên nước tôi thì đang hửng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới."
                                                                                         (Nguyễn Tuân)

3. Những câu sau đây có câu nào sử dụng ẩn dụ không ? Nếu có, em hãy chỉ ra những ẩn dụ cụ thể.
- Chúng ta không nên nướng tiền bạc của cha mẹ.
- Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
                                                                                       (Hồ Chí Minh)

4. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường hay sử dụng ẩn dụ để trao đổi thông tin và bộc lộ tình cảm. Em hãy kể một số ẩn dụ trong sinh hoạt hằng ngày.

5. Em hãy tìm những ẩn dụ trong ba bài thơ và các bài dọc thêm trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập hai.

6. Em hãy làm bài thơ theo thể thơ năm chữ có sử dụng ít nhất một phép ẩn dụ.

7. Trong đoạn thơ sau đây :
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

                                     (Tố Hữu)
a) Tìm các phép so sánh và ẩn dụ trong đoạn thơ.
b) Hãy viết thành văn xuôi đoạn thơ trên.

8. Có người nói: "Sức mạnh của so sánh là nhận thức, sức mạnh của ẩn dụ là biểu cảm". Em hãy tìm vài ví dụ tiêu biểu để chứng minh.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây