Hướng dẫn học Văn 8, Ôn tập và kiểm tra phần tiếng việt

Thứ bảy - 21/09/2019 11:49
Hướng dẫn học Văn 8, Ôn tập và kiểm tra phần tiếng việt
I. Từ vựng
1. Cấp độ khái quát của từ ngữtrường từ vựng
- Cấp độ khái quát của từ ngữ.
+ Một từ có nghĩa rộng khi phạm vi nghĩa của từ đó bao hàm nghĩa của một số từ ngữ khác.
+ Một từ ngữ có nghĩa hẹp khi phạm vi nghĩa của từ ngữ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.
+ Nghĩa của một từ ngữ có thể rộng hoặc hẹp hơn nghĩa của từ ngữ khác. Một từ ngữ có nghĩa rộng với những từ ngữ này nhưng có thể có nghĩa hẹp đối với một từ ngữ khác.
Ví dụ: Từ "Thầy thuốc" có nghĩa rộng hơn so với nghĩa của từ bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý, nhưng có nghĩa hẹp hơn so với "người".
- Trường từ vựng là tập hợp từ có ít nhất một nét nghĩa chung.
Ví dụ: Trường từ vựng chi gia cầm: gà, ngan, ngỗng, vịt...

2. Từ tượng hình và từ tượng thanh
- Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, hoạt động, trạng thái của sự vật.
Ví dụ: lòng khòng, ngất ngưởng, ngoằn ngoèo, tha thướt...
- Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.
Ví dụ: ầm ầm, thánh thót, róc rách, xì xì...
- Tự tượng hình và từ tượng thanh có giá trị gợi tả và biểu cảm cao, thường được dùng nhiều trong văn miêu tả và tự sự.

3. Từ địa phương và biệt ngữ xã hội
- Từ địa phương là từ ngữ chi sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định.
Ví dụ:               o - cô, bầm - mẹ...                                (Trung Bộ)
Cây viết - cây bút, đậu phộng - lạc... (Nam Bộ) Thưng (dụng cụ đong gạo, thóc), thầy - bố, ... (Bắc Bộ).
- Biệt ngữ xã hội là các từ ngữ chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

4. Một số biện pháp tu từ
- Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự việc, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
Ví dụ:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
                                                                                                    (Ca dao)
- Nói giảm, nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, năng nề, tránh thô tục, thiếu văn hóa.
Ví dụ:
Bà về năm đói làng treo lưới
Biển động, Hòn Mê giặc bắn vào.
                                                                                                      (Tố Hữu)

II. Ngữ pháp
1. Một số từ loại
a) Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ khác trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự việc, sự vật được nói đến ở từ ngữ đó.
Ví dụ: Ngay, chính, đích thị, những, ...
+ Chiếc mũ này giá những 20 nghìn đồng.
b) Thán từ là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường dùng ở đầu câu và có thể được tách thành một câu độc lập.
Ví dụ: ái, ôi, chao ôi, trời, trời ơi, hỡi, vâng, dạ, ạ,...
+ Chao ôi! Thấy nó chỉ nghĩ lẩn thẩn sự đời.
c) Tình thái từ là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán và để biểu thị sắc thái tình cảm của người nói.
Ví dụ: à, ư, nhỉ, nhé. đi, nào, với, thay, nhé,...
+ Đi đi em! Can đảm bước chân lên!
                                                 (Tố Hữu)
2. Câu ghép
a) Câu ghép là câu do hai hoặc nhiều cụm từ chủ vị không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm chủ vị là một vế câu.
Ví dụ: Đêm càng khuya, trăng càng sáng.
b) Cách nối các vế câu trong câu ghép.
- Dùng những từ có tác dụng nối.
+ Nối bằng một quan hệ từ hoặc một cặp quan hệ từ.
Ví dụ:
(1) Mây đen kéo kín bầu trời và gió giật từng cơn.
(2) Vì trời không mưa nên cánh đồng thiếu nước.
+ Nối bằng một phó từ hay một cặp đại từ hô ứng.
Ví dụ:
(1) Ai làm người ấy chịu.
(2) Anh đi đâu, tôi đi đấy.
- Không dùng từ nối, các vế câu thường sử dụng dấu phẩy, dấu hai chấm.
Ví dụ:
Bà đi chợ, mẹ đi làm, em đi học.
c) Các kiểu quan hệ ý nghĩa giữa các vế của câu ghép thường gặp là: quan hệ nguyên nhân, quan hệ điều kiện (giả thiết), quan hệ tương phản, tăng tiến, lựa chọn, bổ sung, nối tiếp, đồng thời, giải thích...
Mỗi mối quan hệ thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, cặp quan hệ từ, cặp từ hô ứng: vì... nên, nếu... thì, tuy/mặc dù... nhưng, không những... mà còn, hoặc... hoặc.
Ví dụ: Tuy lưng hơi còng như bà tôi đi lại vẫn nhanh nhẹn.

B. THỰC HÀNH
1. a) Điền vào ô trống (sơ đồ SGK trang 157).
- Ô bao quát sẽ điền từ: Truyện dân gian.
- Các ô tương ứng với từ Truyện cổ tích sẽ là: Truyền thuyết, Truyện ngụ ngôn, Truyện cười.
b) Giải thích những từ có nghĩa hẹp trong sơ đồ đó. Cho biết những câu giải thích ấy có từ ngữ nào chung.
- Các từ nghĩa hẹp cần giải thích là: Truyền thuyết, Truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Truyện cười (xem lại khái niệm các thuật ngữ này để tìm câu giải thích).
- Từ ngữ chung trong phần giải thích nghĩa của những từ trên là Truyện dân gian, tức là từ có nghĩa rộng hơn.

2. Tìm trong ca dao Việt Nam hai ví dụ về biện pháp tu từ nói quá hoặc nói giảm, nói tránh.
Con giận bằng con ba ba,
Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh, (nói quá)
Tiếng đồn cha mẹ em hiền
Cắn cơm không vỡ, cắn tiền vỡ đôi. (nói quá)

3. Viết hai câu, một câu có dùng từ tượng hình, một câu dùng từ tượng thanh.
- Cả đêm chẳng lúc nào ngớt tiếng lộp bộp rơi trên mái.
- Chiếc xe của chúng tôi bò chậm chạp trên con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu.

4. Viết hai câu, trong đó một câu có dùng trợ từ và tình thái từ, một câu có dùng trợ từ và thán từ.
- Trông thế chỉ được cái nước ăn nói thôi ư!
- Trời ơi! Ngay tại lúc này đây em vẫn không thể nào tin nổi?

5. Đọc đoạn trích sau:
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)
Câu đầu tiên của đoạn trích trên là câu ghép. Có thể tách câu này thành ba câu đơn. Nhưng nếu tách câu này thành ba câu đơn thì sự liền mạch và mối liên hệ giữa ba sự việc sẽ ít nhiều bị giảm đi.

6. Xác định câu ghép và cách nối các vế câu trong đoạn trích sau:
Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
                               (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)
- Câu thứ nhất và câu thứ ba là những câu ghép.
- Các vế trong cả hai câu ghép này đều được nối với nhau bằng những quan hệ từ (cũng như, bởi vì).
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây