Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

Thứ ba - 03/09/2019 10:49
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
 
1. Ý nghĩa của trích dẫn:
Lúc nói hoặc viết, người ta thường trích dẫn. Trích dẫn câu nói của người khác, trích dẫn danh ngôn, trích dẫn tục ngữ, ca dao, dân ca, trích dẫn thơ văn... Trích dẫn là để chứng tỏ “nói có sách, mách có chứng”. Trích dẫn làm cho ngôn ngữ giao tiếp được đậm đà, cụ thể, thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng. Lúc nào cần chứng minh, người nói phải trích dẫn.
Ví dụ:
a. Các em phải thương yêu bạn bè, phải biết giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, phải ghi nhớ lời căn dặn của ông cha: “Thương người như thể thương thân”.
b. Đoàn kết là sức mạnh của dân tộc ta để chiến thắng thù trong giặc ngoài. Đoàn kết để xây dựng đất nước giàu mạnh, cuộc sống hạnh phúc, yên vui. Đúng như Bác Hồ đã dạy:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. 
c. Một con bồ các kêu váng lên. Cái con này bao giờ cũng vừa bay vừa kêu cứ như bị ai đuổi đánh.
Chị Điệp nhanh nhảu:
Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú. Tu hú lại là chú bồ các,...”.
                                                                  (“Lao xao” - Duy Khán)
Cần chú ý: Lúc nói và viết ta cần phải biết trích dẫn. Trích dẫn phải hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ và có nghệ thuật. Nếu lạm dụng trích dẫn sẽ làm cho người nghe, người đọc khó chịu về sự khoe mẽ! Có một số bài viết về tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, về chèo cổ, mà tác giả hết trích dẫn lời ông Tây này đến ý kiến bà đầm nọ, người đọc không khỏi buồn cười!
Học sinh phải thuộc nhiều tục ngữ, ca dao, dân ca, thuộc nhiều thơ văn, phải biết một số câu danh ngôn, để làm vốn mà trích dẫn lúc làm văn.

2. Phân loại:
Có 2 cách trích dẫn: dẫn trực tiếp và dẫn gián tiếp.
2.1- Dẫn trực tiếp: Trích dẫn nguyên văn câu nói, ý kiến của người khác, trích dẫn nguyên văn cáu tục ngữ, câu ca dao, dân ca, câu thơ câu văn... thì gọi là dẫn trực tiếp.
Lời trích dẫn thường để sau dấu hai chấm và đặt trong dấu ngoặc kép. Phải ghi chú rõ xuất xứ lời dẫn trực tiếp (lời nói của ai ? câu thơ câu văn rút trong bài nào, của tác giả nào ?...).
a. Ví dụ:
... Nha Trang đã từ lâu nghe tiếng bờ biển xinh, khí hậu tốt, mà lần đầu tiên trong đời tôi, tôi mới tới tỉnh lị của tỉnh Khánh Hòa này. Từ bãi biển Nha Trang, gió của biển Đông xa rộng thổi vào đưa hơi mát.
Cá ở đây rẻ. Tôi đã thăm Tháp Châm Pô Naga thờ nữ thần Thiên Yana.
Tuy Hòa, tỉnh lị của tỉnh Phú Yên, thành phố không lớn và rất dễ mến thương. Cái Tháp Châm tên là Nhạn Tháp đứng trên núi báo hiệu ngay cho thành phố. Nhà thơ Trần Mai Ninh ngày trước đã có câu gọi: “Ôi cái gió Tuy Hòa”. Gió cũng đến từ biển. Thi sĩ Tản Đà 40 năm trước đi qua đây viết câu thơ lục bát “Đa tình con mắt Phú Yên...”.
                                         (Trích bài “Về lại quê Nam” - Xuân Diệu)
b. Ví dụ:
Một người khoan hòa và thuần hậu

Ông Trình Hiệu là một nhà hiền triết đời xưa. Ông tính khí cẩn thận, hồn hậu, không hay nói xấu ai bao giờ. ở nơi công chúng, thấy ai chỉ nghị người nào thì ông bênh vực người vắng mặt, hoặc ông không bắt chuyện, chờ cho người ta nói xong, ông mới thủng thỉnh mà nói rằng: “Vị tất điều họ đồn đại đã thật”, rồi ông kể lại những điều hay của người bị chỉ nghị ra cho mọi người biết. Đối với người ngoài thì thế, mà đối với chính mình, thì không bao giờ ông giận ai hoặc trách ai điều gì. Có khi đang dự tiệc, ông bị người khác chế nhạo, ai cũng lấy làm ngạc nhiên, nhưng ông cứ để mặc, không cãi điều gì cả. Sau mới nói rằng: “Người ấy say rượu, ta cãi làm gì”.
Ông khoan hòa, thuần hậu như thế, cho nên ai cũng kính phục.
                                          (Trích “Quốc văn giáo khoa thư) 

2.2- Dẫn gián tiếp: nhắc lại lời hoặc ý của người khác, của nhân vật (hoặc thơ văn), có điều chỉnh theo kiểu thuật lại, không giữ nguyên vẹn, không dùng dấu hai chấm, dấu ngoặc kép.

a. Ví dụ:
Thời nào cũng vậy, nhân dân chỉ mong muốn được sống ấm no, yên vui hạnh phúc. Không đau khổ trong loạn lạc, không bị ai đè đầu cưỡi cổ. Không đói cơm rách áo. Ốm đau được chăm sóc thuốc thang. Con cái được học hành.
Độc lập, tự do là quý. Nếu dân bị đói rét, thất nghiệp, thất học, bị bóc lột... thì dộc lập tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì! Dân coi cuộc sống làm đầu, dân coi cái ân bằng trời. Vì thế, phải phát triển sản xuất, phải làm cho dân giàu nước mạnh. Sản xuất là trước hết, trên hết.
-> Người viết đã dùng lối gián tiếp nên đã không nhắc lại nguyên văn 2 câu văn:
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.      (Hồ Chí Minh)
“Dán dĩ thực vi thiên”.                              (Cổ ngữ)
b. Ví dụ:
Nguyễn Trãi có nhiều bài thơ, câu thơ chữ Hán, chữ Nôm nói về trăng. Vũ Khiêu đã sử dụng cách dẫn gián tiếp thơ Nguyễn Trãi để ca ngợi tình yêu trăng, yêu thiên nhiên và tâm hồn thanh cao của Ức Trai qua đoạn văn sau:
... “Ông yêu trăng. Trăng trên trời xanh, trăng trong lòng suối. Trăng theo về khi ông gánh nước. Trăng vào chén khi ông uống trà. Chỉ trăng mới hiểu ông những lúc ông nhìn trăng suốt đêm chẳng ngủ.
Ông yêu chim, yêu lá, yêu hoa, yêu sông, yêu núi, yêu vẻ đẹp đẽ của thiên nhiên bởi nó khác hẳn cái nham hiểm của lòng người.
Coi thiên nhiên như bản thân con người, ông nâng niu từng ngọn trúc, nhành mai, nhẹ nhàng với cả bóng trắng, lòng suối...”.
(Trích bài Khí phách và tinh hoa của dân tộc - Anh hùng Nguyễn Trãi)

-> Các em hãy đọc và ghi chép vào sổ tay văn học và thử tìm câu thơ nào, hình ảnh nào trong thơ Nguyễn Trãi mà Vũ Khiêu dẫn gián tiếp:
- “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén,
Ngày vắng xem hoa bợ cây”.
                      (Ngôn chí -10)
- “Quét trúc bước qua lòng suối,
Thưởng mai về đạp bóng tràng”.
                       (Ngôn chí-15)
- “Cây rợp tán che am mát,
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn”.
                             (Ngồn chí-20)
- “Viện có hoa tàn chăng quét đất,
Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo”.
                            (Mạn thuật - 20) 
- “Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng,
Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về”.
                             (Thuật hứng - 3)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây