Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự

Thứ ba - 03/09/2019 10:54
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự
Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự
 
1. Tại sao phải tóm tắt tác phẩm tự sự ?
- Học thơ, văn, cái đích cuối cùng ỉà hiểu được, cảm thụ được chủ để, nội dung tư tưởng, cái hay cái đẹp trong nghệ thuật của tác phẩm.
- Học sinh học văn còn phải làm văn. Miêu tả, trần thuật, kể chuyện, tóm tắt tác phẩm, thuyết minh, bình giảng, phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận,... đó là những kiểu bài mà học sinh phải đối diện hằng tuần, từ năm học này qua năm học khác. Chẳng thế mà hồi còn là một học sinh Trung học, thi sĩ Xuân Diệu trong bài thơ “Giới thiệu” đề tăng Tú Mỡ, bạn học cũng là bạn vần chương:
... “Hết nợ thi rồi, đến nợ thi
Than ôi khổ quá  học làm gì
Những chồng sách nặng khô như đá !
Ruộng gió đồng trăng anh ấy đi...”.
Đó là sự thật mà tuổi trẻ dám chấp nhận để chuẩn bị hành trang bước vào đời.
- Học thơ (thơ hay) thì phải nhớ, phải thuộc mới cảm thụ được. Học văn nhất là tác phẩm tự sự như truyện ngắn (văn xuôi), truyện thơ, trước hết người đọc, học sinh phải nắm được cốt truyện, nắm được diễn biến câu chuyện thì mới hiểu và cảm được tác phẩm, mới có thể phân tích và cảm thụ được.
- Bởi vậy, đọc và nhớ cốt truyện, biết tóm tắt truyện là yêu cầu đầu tiên, rất quan trọng khi học tác phẩm tự sự. Những thầy giáo giỏi, những học sinh giỏi rất coi trọng việc đọc những áng văn chương. Nhà văn Mác-két, giải thưởng văn chương Nô-ben năm 1982 có viết trong hồi kí:
Một trong những người thầy không thể nào quên của tôi là một cô giáo từng dạy tôi tập đọc hồi tôi mới 5 tuổi. Bà là người trong lớp học từng đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ đầu tiên đã làm nát óc tôi mãi mãi. Với chính lòng biết ơn ấy, tôi nhớ thầy giáo văn học trong trường Trung học. Đó là một người giản dị, khiêm tốn và cẩn trọng từng dắt dẫn chúng tôi đi trong cơn mê cung lộ của những cuốn sách hay mà chẳng cần tới những bình giảng khiên cưỡng”.

2. Phương pháp tóm tắt tác phẩm tự sự:
a. Trước hết phải đọc vài lần tác phẩm, nắm chắc cốt truyện và diễn biến câu chuyện. Nhớ tên các nhân vật, ngoại hình, hành động... lời thoại, số phận của nhân vật. Nhớ các tình tiết của truyện. Rồi tập kể lại câu chuyện cho suôn sẻ.
b. Viết nháp, đọc và sửa chữa rồi mới chép vào vở hoặc bài làm.
c. Yêu cầu của một bài tóm tắt tác phẩm tự sự là ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng và hấp dẫn. Không được nhớ sai nhân vật, nhớ sai tình tiết và bịa ra tình tiết không có trong tác phẩm.

3. Bài tập vận dụng:
* Tóm tắt tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương xinh đẹp, nết na. Trương Sinh cùng làng, mến vì dung hạnh, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Biết tính chồng đa nghi, nàng giữ gìn khuôn phép không để xảy ra thất hòa. 
Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đầu quân đi đánh giặc Chiêm. Trong buổi tiễn đưa, Vũ Nương rót chén rượu đầy đưa cho chồng và nói chỉ mong ngày chồng trở về mang theo hai chữ bình yên.
Chồng ra lính được một tuần thì Vũ Nương sinh được đứa con trai đặt tên là Đản. Nửa năm trôi qua, bà mẹ chồng già yếu, buồn lo rồi đau ốm. Nàng hết lòng săn sóc cơm cháo thuốc thang, ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn. Bệnh mỗi ngày một nặng, mẹ chồng qua đời, nàng vô cùng thương xót, việc ma chay tế lễ, nàng lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.
Qua năm sau giặc tan, Trương Sinh được trở lại nhà, con vừa học nói. Chàng bế con đi thăm mộ mẹ, đứa trẻ không chịu và quấy khóc. Nghe Sinh dỗ dành, đứa con ngây thơ nói: “Thế ra ông cũng là cha tôi ư ? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Nghe Sinh gạn hỏi, đứa bé lại nói: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”.
Vốn có tính ghen, nghe con nói thế, Trương Sinh đinh ninh là vợ hư. Chàng la um lên cho hả giận. Vợ càng khóc lóc phân trần, chàng càng mắng nhiếc, đánh đuổi đi. Trước cảnh bình rơi trâm gãy, Vũ Nương tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời mà than, mong thần sông linh thiêng chứng giám. Nàng nguyền, nếu đoan trang, trinh bạch xin được ngọc Mị Nương, làm cỏ Ngu Mĩ; nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con thì xin làm mồi cho tôm cá, làm cơm cho diều quạ...
Vũ Nương nhảy xuống sông tự tử. Chẳng bao lâu sau, vào một đêm vắng vẻ, ngồi dưới đèn khuya, bỗng đứa con chỉ chiếc bóng in lên vách mà nói rằng: “Cha Đản lại đến kia kìa !”. Lúc bấy giờ Trương Sinh mới thấu nỗi oan của vợ.
Lại nói chuyện Phan Lang người cùng làng, làm đầu mục ở bến đò Hoàng Giang. Một đêm chiêm bao thấy người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng. Sáng dậy, có người phường chài đem biếu một con rùa mai xanh; Phan chợt nghĩ đến chuyện mộng bèn đem thả con rùa ấy. Chẳng bao lâu sau, dưới thời Khai Đại nhà Hồ, giặc Minh sang cướp nước ta. Nhiều người sợ hãi chạy trốn, thuyền bè bị đắm, chết đuối đầy sông, trong đó có Phan Lang, xác dạt vào động Rùa ở hải đảo. Linh Phi là vợ vua Nam Hải chợt nhìn thấy, bèn nói: “Đây là vị ân nhân cứu sống ta thuở xưa”. Linh Phi lấy khăn dấu mà lau, thuốc thần mà đổ, một chốc sau Phan Lang hồi sinh.
Linh Phi rước Phan Lang vào cung nước, mở tiệc lớn ở gác Triêu Dương để đãi ân nhân. Trong bữa tiệc có nhiều mĩ nhân, áo quần thướt tha, tóc búi xể, trong đó có một người chỉ điểm qua son phấn rất giống Vũ Nương. Tiệc xong, người đàn bà ấy đến gặp Phan Lang. Vũ Nương nói lại tình cảnh mình được các nàng tiên trong cung nước thương tình mà cứu sống. Nghe Phan nhắc lại cố hương, mồ mả tiền nhân,... Vũ Nương khóc...
Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía, đựng 10 hạt minh châu, sai sứ Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương cũng gửi Phan chiếc hoa vàng đưa về cho Trương Sinh và dặn lập đàn giải oan, đốt cây đèn thần trên bến Hoàng Giang thì nàng sẽ trở về.
Nhận được chiếc hoa vàng, Trương Sinh thốt lên: “Đây quả là vật dùng mà vợ tôi mang lúc ra đi...”. Sinh làm đàn tràng, đốt cây đèn thần ba ngày đêm trên bến Hoàng Giang. Vũ Nương đã hiện về, ngồi trên một chiếc kiệu hoa, theo sau có 50 chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông. “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa...”, tiếng Vũ Nương vọng vào, bóng nàng loang loáng mờ dần rồi biến mất. 

4. Đọc truyện “Chó sói và cừu non”, hai, ba lần, rồi tóm tắt nội dung truyện.
 
Chó sói và cừu non
                                                               (Truyện ngụ ngôn Ba Tư)
Một con sói đi kiếm ăn cả ngày trong rừng và chưa kiếm được gì bỏ vào bụng. Mãi đến gần tối mới thấy một đàn cừu xuất hiện ở phía cửa rừng. Cuối đàn, một chú cừu non đi tụt lại đằng sau, vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ. Sói ta mừng quá, vội vàng lao tới áp sát chú cừu non.
Thoáng thấy cặp mắt của chó sói đỏ khè như hai hòn lửa, cừu non hoảng hồn. Nhưng cừu non đã kịp nén được sợ hãi, ung dung bước tới trước mặt sói dữ, lễ phép nói:
- Thưa bác, anh chăn cừu sai tôi đến nộp mạng cho bác để tỏ lòng biết ơn bác cả ngày hôm nay không quấy nhiều đàn cừu chúng tôi. Anh dặn tôi phải hát tặng bác một bài thật hay để bác nghe cho vui tai trước khi ăn thịt tôi cho ngon miệng.
- Sói ta không ngờ mình được trọng đãi như vậy, lấy làm thích chí và cảm động lắm, liền cho phép cừu non trổ tài ca hát. Cừu non rán hơi, rán sức be lên thật to, tiếng kêu be be lên bổng xuống trầm, mỗi lúc một vang xa. Anh chăn cừu nghe được lập tức chạy lại, nện cho sói ta lúc ấy đang vểnh tai nghe hát, một trận nên thân.
Cừu non thoát nạn nhờ nhanh trí và can đảm, còn chó sói no đòn, bỏ chạy, vừa chạy vừa than thân:
- Ai đời chó sói mà nghe ca hát! Mồi kế bên miệng mà lại mắc mưu cừu non, đau thật là đau!

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây