Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Viết bài tập làm văn số 1 (văn thuyết minh)

Thứ hai - 02/09/2019 12:22
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Viết bài tập làm văn số 1 (văn thuyết minh)
I. Đề bài:  Thuyết minh về cây lúa Việt Nam
Cây lúa
Hạt gạo, củ khoai, bắp ngô... là nguồn lương thực chính của nhân dân ta đã bao đời nay. Màu xanh lúa con gái, màu vàng tươi của cánh đồng lúa chín là hình ảnh thân thuộc quê hương đất nước chúng ta.
Nước ta có nghề trồng lúa đã lâu đời. Hầu như ở miền quê nào cũng có đồng lúa, ruộng lúa, nương rẫy trồng lúa. Bình nguyên sông Hồng, bình nguyên sông Cửu Long là hai vựa lúa lớn nhất ở nước ta.
Có hai vụ lúa chính: vụ chiêm và vụ mùa. Nước ta có hàng trăm giống lúa như: lúa gié, lúa ba giăng, lúa di hương, lúa mộc tuyền, lúa móng chim,... Quý nhất là lúa tám xoan, lúa dự, gạo trắng, dẻo và thơm. Cơm tám giò chả, ăn mãi không biết no. Lúa nếp cũng có nhiều loại: nếp cái, nếp rồng, nếp mỡ, nếp nàng tiên, v.v...
Nghề trồng lúa là nghề căn bản của nhà nông. Dân cày cần cù, một nắng hai sương, quanh năm bám lấy ruộng đồng: cày bừa, cấy hái, tát nước, bón phân, làm cỏ:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”.
“Ruộng thấp tát một gàu dai,
Ruộng cao thì phải tát hai gàu sòng”.
                                   (Ca dao)
Miền Bắc quen gieo mạ, cấy lúa. Miền Nam lại sạ lúa. Lúa sau khi sạ, mạ sau khi gieo độ 10 ngày đã xanh rờn bát ngát. Lúa con gái xanh ngắt một màu. Những cơn mưa rào cuối xuân đầu hè được gọi là cơn mưa vàng, làm cho đồng lúa tươi tốt bời bời:
“Lúa chiêm đứng nép đầu bờ,
Nghe ba tiếng sấm phất cờ mà lên”.
.         Lúa đứng cây rồi, lúa có đòng đòng. Lúa trổ dâng hương thoang thoảng. Hoa lúa trắng nõn. Rồi lúa ngâm sữa, lúa uốn câu. Độ nửa tháng sau, đồng lúa ửng vàng, lúa chín rộ. Cánh đồng quê như một tấm lụa mỡ gà khổng lồ căng rộng, trải dài đến tận chân trời xa. Lúa reo rì rào như cất tiếng hát. Đồng quê vui náo nức trong mùa gặt. Tiếng xe chở lúa, tiếng máy đập lúa, tiếng hát vang rộn xóm thôn. Những năm bội thu, mùa gặt là ngày hội của đồng quê. Cơm gạo mới, mẻ cốm ngọt ngon, đĩa xôi gấc dẻo thơm cứ quyện lấy hồn người.
Cây lúa thật quý giá vô cùng. Rạ rơm làm được bao việc. Để đun bếp, để lợp nhà, làm phân, làm thức ăn cho trâu bò. Nhà nghèo dùng lót ổ trong mùa đông tháng giá: “No cơm tấm, ấm ổ rơm”. Rạ rơm còn là nguyên liệu để trồng nấm xuất khẩu, vỏ trấu để ủ bếp, để độn phân chuồng. Cám để nuôi heo, để ép thành dầu cám. Bát cháo cám năm đói 1945 nhiều người già còn nhắc lại. Hạt lúa là hạt vàng. Hạt gạo là hạt ngọc. Gạo để nấu cơm ăn ngày 3 bữa:
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
                                                                (Ca dao)
Gạo xay giã thành bột để làm bún, làm bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa:
“Bánh đúc thiếp đổ ra sàng,
Thuận thiếp thiếp bán, thuận chàng chàng mua”.
                                                                                                          (Ca dao)
Bánh chưng, bánh dầy, bánh ú, bánh gai, bánh xèo, bánh rán, bánh cốm, bát chè cốm,... trăm thứ bánh, trăm thứ quà. Hương vị quê nhà mới đậm đà biết bao !
Nghề nông ngày một phát triển. Điện, máy, thuốc trừ sâu đã về làng. Nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Người nông dân Việt Nam mang bao phẩm chất tốt đẹp: cần cù, kiên nhẫn, bền bỉ, dẻo dai, thương người, thương nhà và thương nước. Cây lúa nhân hậu như người dân cày nên lúa không thoái hóa thành cỏ dại. Màu xanh của lúa gợi lên vẻ đẹp ấm no thanh bình. Hương sắc của lúa tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người thôn nữ quê ta.
Nâng bông lúa, ngắm nhìn đồng lúa mà lòng bâng khuâng. Tình yêu đồng quê dâng lên dào dạt trong lòng ta. Màu xanh của lúa trường tồn trong dòng chảy thời gian với quê hương xứ sở. Câu ca xưa vấn vương mãi hồn người:
“Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
 
II. Đề bài: Thuyết minh về một địa danh văn hoá, lịch sử
Chốn làng quê của Bác Tôn
Mỹ Hòa Hưng là chốn làng quê thương yêu của Bác Tôn. Người thợ, người lính thủy, người chiến sĩ trung kiên ấy đã xa cố hương từ tuổi thanh niên, khi dấn thân vào con đường cách mạng đầy bão táp.
Mỹ Hòa Hưng với diện tích khoảng 15km2, một vùng quê hiền lành, trù phú nổi lên giữa lòng Hậu Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long mênh mông bát ngát.
Những cánh đồng lúa xanh rì, những dòng kênh hiền hòa uốn lượn, những miệt vườn xanh tươi hoa trái bốn mùa. Bà con dân cày ở đây cần cù và chất phác, bộc trực và dũng cảm, quen cầm cuốc, cầm cày, và đã bao phen cầm giáo cầm gươm, cầm tầm vông, mã tấu, súng ngựa trời kiên cường đánh Pháp rồi “đồng khởi” đánh Mĩ. Bao mồ hôi và máu đã đổ xuống trên cù lao này, để dòng kênh mãi mãi ăm ắp nước ngọt phù sa, để cau, dừa, mía, đậu phông, đậu xanh... ngọt ngào tươi tốt. Mía Chợ, mía Gò Cát là đặc sản, mềm và ngọt nức tiếng gần xa. Nghề dệt chiếu, làm hàng thủ công mĩ nghệ rất phát triển.
Ngoài việc sạ lúa gặt hái, làm vườn, ở Mỹ Hòa Hưng quanh năm còn rộn ràng nghề đánh bắt thủy sản:
“Bao phen quạ nhắn với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”. 
Tháng giêng hai là mùa bắt ốc gạo ở các bãi cồn; tháng tư tháng năm là mùa giỏ chà cá trắng, cá đen roi rói đầy ắp khoang thuyền. Từ tháng tám đến tháng chạp là mùa tôm cá, lưới chài, vờn, đáy. Ban ngày, dọc theo sông cái, ghe xuồng đánh cá san sát ngược xuôi. Tiếng gõ mái chèo, tiếng hò rộn ràng sòng nước:
“Bớ cô má lúm đồng tiền,
Cho hun một chút đỡ ghiền khi xa”.
hay:
“Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen”.
Những giàn lưới phơi giăng loáng nắng trên cồn nhỏ. Những ngọn đèn trên những chiếc xuồng câu tôm nhấp nháy, mờ tỏ trên dòng nước bạc. Tiếng búng tí tách của bầy tôm, tiếng cá nhảy, tiếng chim lạc đàn kêu đêm... Những hình ảnh, âm thanh thân thuộc ấy của quê nhà đã in sâu vào tâm hồn và luôn mang theo trong trái tim khi người thủy thủ lênh đênh bên trời Âu, khi người chiến sĩ cộng sản, chân tay mang nặng xích xiềng bị kẻ thù đẩy vào tù ngục...
Mấy chục năm xa cách cố hương, một chiều thu trở lại chốn quê, người con Mỹ Hòa Hưng đầu tóc bạc phơ bâng khuâng ngắm trời mây sông nước. Đứng trên cù lao, đưa mắt nhìn các hướng: Thị xã Long Xuyên, cù lao Ông Chưởng, những con tàu giòng ghe chài như thân một con rết khổng lồ xuôi ngược trên mặt sông lấp lánh bình lặng... Xóm nhỏ với mái nhà xưa, con đường làng và mái trường tuổi thơ,... lúc tỏ mờ, lúc thấp thoáng ẩn hiện... Nước mắt ứa ra...
Bầu trời xanh trong, những cánh chim chao nghiêng bay lượn, những cánh buồm nâu bạc phếch căng phồng, những con thuyền xuôi ngược... Mỗi lần gặp người thân, Bác Tôn lại thầm hỏi, thầm nhắc: “ơi... Mỹ Hòa Hưng, nhiều thương nhớ!...”.
Người con yêu quý ấy, người chiến sĩ cách mạng trung kiên ấy nay đã đi xa. Nhưng dòng kênh, ghe xuồng, bãi cồn, cây mía, trái cây... quê mẹ vẫn nhắc hoài nhắc mãi, vẫn nhớ thương khôn nguôi, bồi hồi da diết...
-> Các em hãy đọc kĩ 3. 4 lần bài văn thuyết minh này, nhớ đi sâu vào những nét riêng của con người và cảnh vật Mỹ Hòa Hưng được giới thiệu và miêu tả với nhiều cảm xúc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây