Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Xưng hô trong hội thoại

Thứ hai - 02/09/2019 12:19
Học và ôn luyện Ngữ văn nâng cao 9: Xưng hô trong hội thoại
1. Tiếng Việt có một hệ thống các từ ngữ xưng hô rất phong phú, đa dạng và biểu cảm. Người nói cần tùy thuộc vào tính chất của tình huống, giao tiếp, mối quan hệ với người nghe và vị thế gia đình, xã hội, tuổi tác của người đối thoại mà lựa chọn từ ngữ xưng hô cho thích hợp.
- Về vị thế xã hội: Ông bà, quý vị,...
- Về vị thế gia đình: Ông bà, cha, mẹ, bác, thím, cô, dì, anh, chị, em, cháu, chắt...
- Về tuổi tác: Cụ, ông, bà, anh, chị, cháu, bác, chú, cô...
- Tính chất của tình huống trong giao tiếp: nghi lễ (trang trọng, dân dã); tình cảm, thái độ (thân tình, đối địch)...

2- Biết lựa chọn từ ngữ xưng hô một cách thích hợp, hợp lí là thể hiện một nhân cách văn hóa.
Ví dụ:
a. Vừa vào đến sân, bé Lan đã cất tiếng gọi bà: 
- Bà ơi! Bà đang làm chi đó?
- Cháu Lan đấy à? Cháu đi một mình thôi à? Sao không đưa em Giang sang chơi với bà cho vui? Bà nhớ nó lắm!
- Bà ơi! Na trong vườn chín lứa đầu. Bố mẹ cháu sai cháu mang sang biếu bà. Mẹ cháu nói là sáng chủ nhật tới, mẹ cháu và em Giang mới sang thăm bà được.
- Cháu bày cả lên bàn thờ ông... quý hóa quá!
Lan bày 10 quả na to mới mở mắt lên hai chiếc đĩa, rồi em bê bằng hai tay đặt lên bàn thờ ông ngoại. Em đốt nến và thắp hương. Lan cảm động tưởng như “thấy” ông ngoại đã “về”. Nước mắt ứa ra, em thầm nghĩ: “Ông mất đã 6 tháng rồi... Ông đi xa mãi...”.
                                                (Trích truyện “Na vườn bói quả” - Vân Hà)     

b.                                                                 Bà mẹ Ga-rô-nê
Vừa ở trường về, tôi được ngay tin buồn. Đã mấy hôm nay, Ga-rô-nê nghỉ học vì mẹ cậu ốm nặng, và bà ấy mất chiều hôm thứ bảy. Hôm qua khi chúng tôi vào lớp, thầy giáo nói:
“Nỗi bất hạnh lớn nhất có thể xảy đến cho một người con, nỗi bất hạnh ấy vừa đến với Ga-rô-nê: cậu vừa mất mẹ. Mai cậu sẽ trở lại lớp, các con ạ, thầy mong các con ngay từ hôm nay tôn trọng nỗi đau khổ lớn lao của bạn. Khi bạn bước vào lớp, các con hãy đón bạn với lòng thương yêu, và nhất là các con phải nghiêm chỉnh. Không ai được cười hay đùa với bạn ấy, thầy mong như vây”.
Sáng nay quả nhiên Ga-rô-nê lại đi học, cậu vào lớp sau các bạn một chút. Tim tôi đau nhói khi thấy cậu mặt tái xanh, đôi mắt đỏ hoe và chân bước không vững. Trông cậu như vừa qua một cơn ốm lâu ngày, thật khó mà nhận ra cậu được. Cậu mặc áo quần đen, trông lại càng đáng thương.
Trong lớp, không ai nói một câu, và tất cả chúng tôi nhìn cậu, ái ngại và thương xót.
Vừa mới bước vào, trông thấy lại cái lớp học mà gần như ngày nào mẹ cũng đến đón mình, trông thấy cái bàn mà biết bao lần mẹ đã cúi xuống để dặn dò mình một lời cuối cùng những khi sắp làm bài thi, và cậu đã nghĩ đến bà như thế nào, nóng ruột cố làm cho chóng xong bài đề được chạy ra gặp mẹ, cậu òa lên khóc, tuyệt vọng.
Thầy Pec-bô-ni kéo cậu lại, ôm cậu sát vào lòng và nói:
“Khóc đi, tội nghiệp, con cứ khóc đi, nhưng hãy can đảm, con ạ. Mẹ con không còn đây nữa, nhưng vẫn nhìn thấy con, bà vẫn thương con, bà vẫn sống bên con, và một ngày kia con sẽ gặp lại bà vì con có tấm lòng lương thiện và trung hậu như lòng bà. Can đảm lên, con ạ!”.
Nói xong thầy dẫn Ga-rô-nê về chỗ ngồi, bên cạnh tôi. Tôi không dám nhìn Ga-rô-nê. Cậu lấy sách vở ra, đã mấy hôm rồi cậu chưa giở ra. Vừa giở mấy trang sách tập đọc, cậu bỗng nhìn thấy một hình trang trí vẽ một bà mẹ đang dang tay đón con, và câu lại khóc nấc lên lần nữa, mặt úp vào cánh tay.
Thầy giáo ra hiệu cho chúng tôi cứ để yên cho cậu khóc; và thầy bắt đầu giảng bài.
Tôi muốn nói điều gì đó với Ga-rô-nê, nhưng không biết nên an ủi cậu như thế nào. Tôi đặt bàn tay lên cánh tay cậu và thì thầm với cậu:
- Thôi đừng khóc nữa, Ga-rô-nê ạ.
Cậu không trả lời và không ngửng đầu lên. Cậu đặt bàn tay mình vào tay tôi một lúc. 
Tan học, không ai dám nói gì với người bạn tội nghiệp; người ta im lặng đi quanh cậu, cung kính, thông cảm. Thấy mẹ đang chờ, tôi chạy đến ôm hôn, nhưng nhìn thấy Ga-rô-nê, mẹ gạt tòi ra. Thoạt đầu tôi không hiểu tại sao, nhưng sau đó tôi thấy Ga-rô-nê, Ga-rô-nê nhìn tôi vẻ buồn không thể tả được, hình như cậu muốn nói với tôi: “Cậu hôn mẹ câu, nhưng mình thì chẳng bao giờ còn được hôn mẹ mình nữa; cậu có mẹ, còn mẹ mình đã chết rồi!”.
Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao mẹ lại đẩy tôi ra; và tôi đi ra, không nắm lấy tay mẹ như thường ngày.
                                                                            Et-môn-đô đơ A-mixi
                                                                          (Những tấm lòng cao cả)

c.                                                       Con bò cạp nước
 Truyện cười dân gian Việt Nam
Có anh nhà quê ra tỉnh chơi, nghe người ta kháo nhau là cua ăn rất ngon, về nhà, anh ta sai vợ ra chợ mua cua về ăn một bữa cho sướng. Vợ đội nón ra đi, anh ta nhắc đi nhắc lại: “Nhớ mua cái con có hai càng tám ngoe nghe”. Vợ mua về một con sam. Anh chồng nạt vợ sao lại mua rùa về. Cãi nhau một hồi. Vợ bảo cua, chồng bảo rùa. Chẳng ai chịu ai, vợ chồng đánh lộn nhau kêu la om sòm. Chú xã đến, thấy con sam có đuôi, bảo đó là con cá đuối, xử phạt cả hai vợ chồng đã hồ đồ lại còn làm rối trị an. Vợ chồng anh nhà quê và chú xã kéo nhau lên huyện nhờ đèn trời soi xét. Quan huyện nghiêm giọng phán và phê vào đơn kiện:
Con mua cua, mua đã chẳng xong,
Thằng nói rùa, lại càng thêm rối;
Thằng cha xã xử con cá đuối,
Ầy ba đàng giai quấy(1) cả ba !
Hễ con dại thì có mẹ cha
Dân dại cậy cùng quan trưởng.
Để ông phê minh chỉ thượng(2) cho khỏi hoài nghi:
Cua, rùa, cá đuối - giai phi(3)
  Ờ, ờ... đem cho ông coi lại
Ấy chỉ thị là con bò cạp nước !”.
_________
1. Giai quấy: đều sai trái
2. Chỉ thượng: là trên giấy; phê minh là phê sáng tỏ. Phê minh chỉ thượng: phê rõ ràng, sáng tỏ trên giấy.
3. Giai phi: đểu sai, đều không đúng.
-> Truyện cười này còn có tên là “Mua cua”. Đúng là một hài kịch ! Dân đen đã ngu, xã trưởng cũng ngu, quan huyện lại càng ngu. Chỉ một con sam mà vợ người nhà quê tán là cua, anh chồng nói là rùa, xã trưởng bảo là cá đuối. Còn quan lớn phê là con bò cạp nước.
Hài hước nhất là giọng điệu và cử chỉ của quan. Ngôn ngữ quan vừa bình dân vừa quan cách trịch thượng. Tự xưng là “quan trưởng”, là “ông”, dưới mắt quan là những kẻ bị coi thường như: “con”, “thằng”, “thằng cha xã”. Có lúc quan nói bằng tục ngữ: “Hễ con dại thì có mẹ cha” (con dại cái mang). Có lúc quan lại dùng chữ Hán, ra vẻ “miệng quan có gang có thép”, nào là “giai quấy”,phê minh chỉ thượng”, “giai phi!”.
Sau khi đã “phê minh”: “Cua, rùa, cá đuối - giai phi”, quan trưởng rất cẩn trọng truyền cho bọn tay chân: “Ờ, ờ... đem cho ông coi lại”, rồi ngài mới dõng dạc phán:
“Ấy chỉ là con bọ cạp nước !”
Và đó, chính là kịch tính của truyện cười “Con bò cạp nước” vậy !

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây